Đắk Nông:
Vì sao nhiều nơi đất rừng vẫn bị tái chiếm?
(Dân trí) - Theo thống kê từ 2012- 2016, diện tích rừng của tỉnh Đắk Nông bị phá là gần 2.600ha. Qua đó, cơ quan chức năng đã phải xử lý hàng trăm đối tượng có hành vi hủy hoại rừng. Thế nhưng, tình trạng người dân tái chiếm đất rừng vẫn phổ biến...
“Vô tư” sản xuất trên đất rừng
Tháng 10/2013, Lê Văn Bình (quê Hà Tĩnh) đến làm thuê và sinh sống tại xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song). Quá trình sinh sống tại đây, Bình phát hiện một đám cây rừng có đường kính 20cm trở xuống xen lẫn lồ ô chưa bị phá, nên nảy sinh ý định xâm chiếm đám đất này để làm rẫy. Ban ngày, Bình đi làm thuê, tối đến lúc rảnh rỗi thì dùng dao phát đám rừng này.
Để thuận tiện cho việc phá rừng, Bình đã dựng một chòi rẫy ở gần đó và dùng cưa xăng rồi tiến hành hủy hoại rừng với quy mô lớn hơn. Qua đó, từ tháng 10/2013 đến 2/2015, Bình đã phá diện tích khoảng 8 sào để trồng cà phê và hồ tiêu.
Đầu tháng 7/2015, Công an huyện Đắk Song đã tiến hành khám nghiệm hiện trường diện tích rừng bị Bình hủy hoại. Bị tòa tuyên phạt 6 tháng tù giam với tội danh “Hủy hoại rừng” và buộc bồi thường hơn 70 triệu đồng cho công ty quản lý rừng nhưng đến nay, Bình mới chỉ khắc phục được một phần hậu quả. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, Bình vẫn tiếp tục sản xuất trên vùng đất cũ mà bản thân đã từng phạm tội mà có.
Tương tự, trong khoảng thời gian năm 2010 đến tháng 5/2013, ông Đặng Ngọc Tưởng (tổ 4, TX. Gia Nghĩa) thuê người đốt rừng dọn đất và đào hố trồng cà phê trên diện tích 0,9ha đất rừng tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong). Theo kết quả giám định, loại rừng mà ông Tưởng xâm hại là rừng sản xuất, gây thiệt hại về lâm sản và môi trường trên 720 triệu đồng. Ngày 24/10/2013, Tòa án nhân dân huyện Đắk Glong đã tuyên phạt ông Tưởng 1 năm 3 tháng tù treo.
Vườn cà phê 3 năm tuổi nằm trên diện tích trước đây là đất rừng
Tuy nhiên, trong lúc chấp hành án phạt, gia đình ông Tưởng vẫn "vô tư" tiếp tục trồng cà phê tại 0,9ha đất rừng này. Hiện nay diện tích cà phê này đã được khoảng 3 năm tuổi, phát triển xanh tốt, nằm xen kẽ cây rừng cháy nham nhở nằm trơ gốc. Theo ông Tưởng, gia đình ông đã trồng 400 cây cà phê trên diện tích đất rừng trước đây thuộc lâm phần của Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha, đồng thời ông cũng trồng thêm khoảng 700 trụ tiêu ở phần đất liền kề và dự định làm thêm 2ha nữa để “giữ đất” cho con cái sau này.
Tái chiếm vì… mỗi bên một ý ?
Những năm qua có rất nhiều đối tượng phá rừng bị công an điều tra, xử lý về tội hủy hoại rừng đồng thời cũng có những bản án thích hợp để trừng trị những đối tượng này.
Thế nhưng trong thực tế, nhiều diện tích đất rừng vẫn tiếp tục bị chính những đối tượng phá rừng hoặc người thân của họ tái chiếm, sang nhượng mà đáng lẽ phải trở về với đơn vị quản lý.
Qua thống kê, diện tích đất rừng mà ngành chức năng và địa phương trồng lại chỉ được 257ha. Những công ty lâm nghiệp có đất bị lấn chiếm cho rằng, hiện nay việc trồng lại rừng tại khu vực trên gặp nhiều khó khăn, vì vậy bên cạnh việc bắt, truy tố về tội hủy hoại rừng thì trong mỗi bản án, tòa án cần phải kết luận về việc trả lại diện tích đất rừng cho các công ty lâm nghiệp.
“Nếu như bản án không nêu ra điều này, rất nhiều người dân sẽ nhầm tưởng là sau khi đã chịu xử phạt hành chính hoặc phạt tù thì diện tích đó nghiễm nhiên thuộc về mình. Bởi vậy sau khi chấp hành án, họ sẽ quay trở lại diện tích mình đã phá để sản xuất, sinh sống hoặc sang nhượng cho những người khác”, một lãnh đạo công ty lâm nghiệp cho hay.
Trong khi đó, Tòa án lại cho rằng, việc giao đất là do UBND tỉnh thực hiện, tòa án không có thẩm quyền. Bởi vậy, trong các bản án, tòa án không cần tuyên trả đất cho công ty lâm nghiệp (chủ rừng được giao quản lý) vì trên thực tế nó thuộc quản lý của các công ty này.
Ngoài ra, sau khi có bản án của tòa án, các chủ rừng có trách nhiệm thực hiện việc trồng rừng, hoặc khoanh nuôi tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất rừng vẫn bị người dân tái lấn chiếm, xây nhà kiên cố, sinh sống ổn định, trồng cây, đối với những diện tích này, các chủ rừng cũng rất ít khi yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục vào cuộc, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Việc tiếp tục xét xử các đối tượng tái lấn chiếm này phải được các chủ rừng đề nghị, cơ quan điều tra vào cuộc thì mới có căn cứ tiến hành theo quy định của pháp luật”, một cán bộ Tòa án cho biết.
Ông Ngô Đức Thọ, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Quan điểm của đơn vị là xử nghiêm minh những đối tượng cầm đầu, chỉ huy, thuê mướn hủy hoại rừng. Những đối tượng vi phạm quy định về phá rừng nếu tiếp tục sinh sống, sản xuất trên những diện tích đã được xét xử thì là tiếp tục vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Đặc biệt, các đối tượng đã từng phá rừng, đã bị xét xử thì đã có tiền án, tiền sự, nhân thân xấu sẽ bị xem xét tình tiết tăng nặng về hình sự”.
Dương Phong