Vì sao luôn khó khăn di dời dân khỏi điểm sạt lở?
(Dân trí) - Mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng có thể kêu gọi hàng nghìn tàu, thuyền trên biển vào nơi tránh trú an toàn. Nhưng vì sao lại rất khó khăn trong việc di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm tại các tỉnh miền núi?
Để trả lời câu hỏi trên, PV Dân trí đã cuộc trao đổi trực tiếp với ông Văn Phú Chính – Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Tổng Cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT). Ông Chính cho biết, khi có bão, hay áp thấp nhiệt đới cơ quan khí tượng thủy văn đều xác định được vùng, phạm vi ảnh hưởng tương đối cụ thể nên công tác kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn khá thuận lợi. Bão đổ bộ vào đất liền cũng được cảnh báo vùng nào chịu ảnh hưởng nên khâu vận động người dân chủ động chằng chống nhà cửa, di dời khỏi vùng nguy hiểm không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Chính, đối với mưa lũ, cơ quan khí tượng thủy văn rất khó đưa ra cảnh báo một cách chi tiết tại thôn, bản, xã nào đó sẽ có mưa lớn và với lượng mưa cụ thể như nào; mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo ở vùng nào đó sẽ có mưa lớn, đề phòng sạt lở đất, lũ quét,…
“Dân cư ở miền núi phía Bắc ở rải rác trên một vùng rộng lớn, nên khâu di dời dân khi có mưa lũ lớn là rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ cố gắng xác định vùng nào nguy hiểm, chính quyền địa phương cần có biện pháp kiên quyết di dời” – ông Chính nói.
Ông Chính cho biết thêm, xu thế thiên tai ngày càng cực đoan và diễn biến khó lường, do vậy chúng ta luôn phải chủ động, sẵn sàng ứng phó. Trong các phương châm đối phó với thiên tai, thì khâu “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) luôn phát huy rất hiệu quả.
Cũng liên quan đến nội dung này, Tiến sĩ Bùi Minh Tăng – nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương – cho biết: Cơ quan khí tượng thủy văn chỉ cảnh báo được vùng này có mưa lớn, chứ để chỉ ra cụ thể quả đồi, ngọn núi nào có nguy cơ sạt lở hoặc dòng sông, con suối nào có nguy cơ xảy ra lũ quét thì thực sự không làm được. Điều này chỉ có người dân địa phương nếu quan tâm, theo dõi và bằng kinh nghiệm mới biết được.
Tiến sĩ Tăng cho biết thêm, lượng mưa rơi xuống cũng chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ để xảy ra lũ quét và sạt lở đất. "Đủ" có nhiều thứ như phụ thuộc vào độ dốc, thảm thực vật, kết cấu đất đá vùng đó như thế nào nữa. Có những trận mưa chỉ 50-70mm cũng có thể xảy ra lũ quét, nhưng có những điểm mưa tới 200-300mm nhưng không làm sao, vì dòng nước không bị chặn nên không thể xảy ra lũ quét.
“Tôi lấy ví dụ, 1 con suối ở 1 xã nào đó dài khoảng 3-4km, bình thường không làm sao, nhưng bất ngờ có 1 cái cây nào đó đổ xuống, hoặc do con người chặt phá rừng dẫn đến cây đổ xuống, khi mưa xuống nó chặn dòng, sau đó dồn ứ lại và phá ra là nguy cơ xảy ra lũ quét ngay” – Tiến sĩ Tăng cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ Tăng, trong phòng chống lũ quét, chính người dân ở địa phương đó mới biết nguy cơ của mình đến mức nào. Mỗi một địa phương cần thành lập 1 nhóm, khi người ta báo mưa thì nhóm này sẽ đi rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; chỗ nào tích nước rồi cần phá ra để khơi thông dòng chảy.
Sau mỗi trận mưa bão, tại các tỉnh miền núi phần lớn đều có thiệt hại về người và tài sản, mà nguyên nhân đều do lũ cuốn và sạt lở đất gây ra. Từ những ý kiến trên cho thấy, mỗi khi có bão hay mưa lớn, từ chính quyền đến mỗi người dân đều không được chủ quan, không nên chờ đợi hay phụ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên mà luôn phải nâng cao cảnh giác và chủ động ứng phó với những nguy hiểm do thiên tai gây ra.
Nguyễn Dương