1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao "lũ quét" lịch sử đổ về khu dân cư ở Đồng Nai?

Hoàng Bình

(Dân trí) - Nguyên nhân lũ quét khu phố Phước Hiệp do bức tường cao hơn 3m ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 đổ sập, lượng nước ngập dồn ứ lớn trên dốc thoát ra, đổ ào xuống khu dân cư với tốc độ nhanh.

Dù cơn lũ quét đã qua 2 ngày nhưng nhiều người dân vẫn bần thần, không thể tin ở khu vực đồng bằng như Đồng Nai lại xảy ra lũ quét, gây thiệt hại nặng nề như vậy. 

Theo nhiều chuyên gia, lãnh đạo địa phương, đây thực sự là thiên tai hiếm gặp, lần đầu xuất hiện tại Đồng Nai. 

Vì sao lũ quét lịch sử đổ về khu dân cư ở Đồng Nai? - 1

Tuyến đường liên xã từ thị trấn Hiệp Phước đến xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) hư hỏng nặng (Ảnh: Hoàng Bình).

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, do mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng nên nhiều khu dân cư thị trấn Hiệp Phước, xã Long Thọ và Phước Thiền nước thoát không kịp, ngập cục bộ.

Mưa lớn cũng khiến hệ thống thoát nước Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) không thoát kịp làm nước ùn ứ khu vực gần khu dân cư thị trấn Hiệp Phước.

"Khi hàng rào công ty Formosa sập, nước theo dốc đổ xuống khu dân cư khiến 4 gia đình bị thiệt hại nặng, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng, còn lại chủ yếu là ngập cục bộ, không có thiệt hại về người", ông Phong nói.

Giải thích thêm về trận lũ lịch sử tối 4/6, ông Trần Văn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), cho biết thị trấn có địa hình đồi núi, khá dốc. Cứ mỗi mùa mưa, nhiều đoạn đường và khu dân cư bên cạnh khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 thường xuyên ngập lụt cục bộ. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên khu vực bị dòng nước tàn phá và gây thiệt hại nặng.

Còn ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, có chung nhận định nguyên nhân chính do dòng nước lớn xuất phát từ địa hình quá dốc.

Vì sao lũ quét lịch sử đổ về khu dân cư ở Đồng Nai? - 2

Bức tường cao ngăn cách khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 với khu dân cư bị đổ sập khiến cả khối nước ngập đổ mạnh xuống (Ảnh: Hoàng Bình).

Ông Huy phân tích thêm, lượng mưa đo được tại các trạm huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) chiều xảy ra sự cố chỉ ở mức 100 - 120mm. Đây là mức nước thường xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào mùa mưa, khó có thể ảnh hưởng diện rộng nếu khu vực không xảy ra sự cố.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho rằng nguyên nhân chính tạo ra "lũ quét" ở khu vực xuất phát từ đoạn tường cao 3 - 4m, dài gần 30m, ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giáp bốn hộ dân khu phố Phước Hiệp bị sập. Dòng nước ứ đọng nhiều giờ ở khu công nghiệp, dâng lên cao, sau đó bức tường đổ sập khiến dòng nước tràn xuống khu dân cư.

Vì sao lũ quét lịch sử đổ về khu dân cư ở Đồng Nai? - 3

Ô tô của người dân trôi bồng bềnh trong trận lũ, va chạm vào nhau tại một góc sân nhà hàng xóm (Ảnh: Hoàng Bình).

Cơ quan chức năng tính toán địa hình khu công nghiệp cao hơn dãy nhà tiếp giáp khoảng 1m, cao hơn gần 3m nếu so với khu nhà kế tiếp.

"Với độ dốc chênh lệch như vậy, nước khi thoát ra chảy nhanh và xiết, gây ngập nặng, cuốn nhiều vật cản trên đường, gây hư hỏng nhiều tài sản, công trình của người dân", ông Huy đánh giá. 

Theo lãnh đạo huyện Nhơn Trạch, sau khi sự cố xảy ra, phía lãnh đạo Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người dân có thiệt hại nặng trong cơn mưa lớn tối 4/6.