1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao làng sinh viên vắng… sinh viên?!

Bước vào khu nhà A làng sinh viên Hacinco Hà Nội, đập ngay vào mắt chúng tôi trên hộp thư báo của “Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN” được ai đó ghi thêm vào “hiệp hội... các công ty...”.

“Như vậy chính xác hơn vì ở đây toàn công ty” - một SV lắc đầu nói như than khi PV hỏi tại sao lại có người ghi như vậy.

Tại sao SV bỏ làng?

Chúng tôi đi lên các tầng trên. Trừ tầng 6, còn tất cả các tầng khác của khu nhà bảy tầng này đều có văn phòng của các công ty. Ở khu nhà này SV được bố trí ở xen lẫn với văn phòng các công ty. Tầng 8 khu nhà D dành hẳn cho một công ty tin học thuê.

Bạn T.C. (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) đang sống ở LSV cho biết cách đây vài tháng đọc báo thấy một công ty trong LSV đăng tuyển nhân viên quảng cáo đã cùng một người bạn đến tầng 2 của khách sạn Thể Thao để phỏng vấn.

Hai nữ SV này được khuyên: “Bên Pharaoh Club cần tuyển nhân viên phục vụ, lương hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa kể “boa”. Khách ở đấy toàn người nước ngoài giàu có, xa gia đình thiếu thốn tình cảm, chỉ vào đấy tâm sự cho họ vui là được...” (!?).

11h30 ngày 17/2, chúng tôi và nhóm SV phải leo bộ lên đến tầng 6 nhà A vì thang máy bị khóa để một công ty ở tầng 5 di chuyển đồ đạc. Bạn bè, người thân SV đến thăm muốn lên phòng đều phải để lại giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ SV, trong khi khách hàng của các công ty chỉ cần nói một tiếng với bảo vệ thì cứ thế mà đi, không cần giấy tờ gì...

Tại nhà A, do có quá nhiều công ty nên giờ đây bảo vệ không thể kiểm soát nổi, ai ra vô lúc nào cũng được. Theo các SV, chuyện mất cắp vặt xảy ra nơi đây ngày một nhiều hơn.

Là làng sinh viên (LSV) nhưng nhiều người không phải SV vẫn được vào đây ở nếu đóng đủ tiền. Trong các khu nhà có cả những hộ dân cư sinh sống. Toàn bộ khu nhà C đã được cho khoa quốc tế (ĐHQG Hà Nội) thuê làm phòng học và KTX cho SV. Còn tầng trệt nhà A đã cho Công ty Sửa chữa bảo dưỡng xe máy Honda Hà Nội thuê mua bán xe máy, khá ồn.

Tối 17/2, chúng tôi gặp T., một SV ở nhà D, đang dọn ra ngoài ở. “Phải đi thôi, không sống nơi phức tạp thế này được...” - T. giải thích. Một SV ở nhà A bức xúc: “Đơn vị đầu tư xây dựng LSV này được Nhà nước duyệt vay vốn ưu đãi, nhưng giờ quyền lợi Nhà nước dành cho SV đã bị lợi dụng”.

Khách sạn, nhà hàng, quán bar... có tất

Dịp SEA Games 22, LSV được chọn làm nơi ăn nghỉ của 1.000 vận động viên quốc tế. Sau đó, khu nhà B được nâng cấp như một khách sạn với kế hoạch dành cho SV quốc tế du học tại Hà Nội thuê... Tuy nhiên, hiện toàn bộ khu nhà B là một khách sạn do một doanh nghiệp thuê.

Khoảng tháng 9/2005, khu nhà điều hành LSV (bốn tầng, nằm giữa LSV) cũng biến mất, nơi đây được sửa lại cho đơn vị kinh doanh khách sạn Thể Thao thuê làm quán bar, nay là nhà hàng Pharaoh. Sáng sớm: tấp nập xe hơi lớn nhỏ đưa khách đến khách sạn Thể Thao, tối: làng náo nhiệt hẳn với cả trăm người đến nhà hàng Pharaoh ăn nhậu đến tận 2-3 giờ sáng.

Dù nằm ngay giữa LSV và hoạt động gần sáu tháng nay, nhà hàng Pharaoh vẫn là một khu bí hiểm với tất cả SV ở đây. “Họ không cho SV vào” - nhiều SV cho biết. SV chỉ biết rõ là đến tối rất nhiều khách nước ngoài (chủ yếu người Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...) đi xe hơi, taxi đến và hàng chục cô gái trẻ VN váy ngắn, áo dây tối tối lại vào ra... Nhiều SV nam ở nhà D thường ra cửa sổ... ngắm nghía và có bạn đã “nhói” khi chợt nhận ra trong những cô gái vào đó có cô vốn từng là SV trong làng trước đây.

Quản lý & chủ đầu tư nói gì?

Cách đây hơn năm năm, SV Hà Nội rất vui mừng với thông tin một doanh nghiệp tham gia xây dựng LSV với khu nhà ở hiện đại nhất VN. Có thể nói LSV là một môi trường sống mơ ước của SV, được hàng ngàn SV háo hức chờ đợi, thế nhưng...

Ông Đinh Đại Cồ, giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ và kinh doanh nhà LSV, lý giải: “Là doanh nghiệp vay vốn ngân hàng hàng chục tỉ đồng để đầu tư xây LSV cho SV thuê với giá rẻ (bình quân 150.000đồng/SV/tháng, chưa tính các khoản thu khác: điện, nước, gửi xe... - NV), chúng tôi phải cho vài đơn vị thuê để hỗ trợ các hoạt động LSV… nếu không sẽ lỗ nặng. Doanh nghiệp thuê văn phòng ở đây đều là các đơn vị trực thuộc công ty chúng tôi. Một vài hộ gia đình sống ở đây cũng là CBCNV của công ty...”.

Bà Lê Thị Mai Phương, trưởng phòng kế hoạch Hacinco, cũng cho rằng LSV ra đời là thiện chí của Hacinco giúp SV về vấn đề chỗ ở. “Với 2,5ha đất của LSV nếu xây nhà bán sẽ có lãi cao và không khó khăn nguồn vốn. Phần được cho thuê là những phòng thiết kế không phù hợp cho SV ở...” - bà Phương phân trần.

Theo Trần Huỳnh – Thu Hòa
Báo Tuổi trẻ