Vì sao Hà Nội lên kế hoạch chi 114 tỷ đồng rửa đường?
(Dân trí) - Ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đề xuất của các quận, huyện, TP giao cho địa phương chủ động kế hoạch rửa đường đảm bảo vệ sinh môi trường, hạ nhiệt ngày nắng nóng.
Chiều ngày 9/6, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch chi hơn 114 tỷ đồng để tưới nước rửa bụi bẩn trên đường và chống nóng trong những ngày nắng gắt.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây TP cũng đã tưới nước làm sạch đường phố. Tuy nhiên, trong quá trình cơ giới hóa, TP đã mua một số xe hút bụi nên đã cắt giảm kế hoạch tưới nước rửa đường hàng năm.
Tuy nhiên, do bụi bẩn cùng với nắng nóng nên thời gian vừa qua các quận, huyện trên địa bàn TP đã đề xuất được tưới nước rửa đường trở lại. “Trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, TP đã giao cho địa phương chủ động kế hoạch tưới nước rửa đường đảm bảo vệ sinh môi trường, hạ nhiệt ngày nắng nóng”, ông Thắng nói.
Nói thêm về vấn đề trên, ông Phạm Thanh Học - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, thực tế trước đây việc tưới nước rửa đường gây tốn kém không cần thiết. Cụ thể, đơn vị áp dụng máy móc kế hoạch rửa đường được xây dựng hàng năm. Vì vậy, có ngày mưa to cũng mang xe ra rửa đường gây phản cảm.
“Chính vì những lý do trên và cũng từ việc cơ giới hóa nên TP cắt giảm kế hoạch tưới nước rửa đường. Tôi cho quyết định như vậy là chính xác. Thực tế, những năm qua với việc điều chỉnh hạng mục cắt cỏ, quét rác, rửa đường… TP tiết kiệm được rất nhiều tiền”, ông Học nói.
Ông Học cũng nêu thực tế, quá trình cơ giới hóa cũng gặp phải thực trạng nhân công lái xe quét bụi làm việc theo kiểu đối phó. Có những ngày đi làm sớm, ông Học phát hiện lái xe quét rác, hút bụi trên đường vành đai 3 gây bụi mù đường, làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
“Không dưới 10 lần tôi chặn xe quét rác, hút bụi nhưng lại làm bụi mù trên đường vành đai 3. Rất có thể là do lái xe đã tiết kiệm nước hoặc với mánh khóe nào đó mà khi quét rác, hút bụi làm cho đường phố bụi mù hơn”, ông Học nói thêm.
Đề cập về kế hoạch tưới nước rửa đường, ông Học cho rằng, “cuộc sống luôn vận động”, có những thời gian dài không mưa, đường phố bụi bẩn thì cần phải tưới nước rửa đường. Đợt rửa đường lần này được TP giao về cho các quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thế chứ không như trước đây.
“Các quận huyện có bao nhiêu con đường bụi bẩn, cần phải rửa thì phải có kế hoạch cụ thế chứ không làm tràn lan gây lãng phí. Còn tại sao kế hoạch cần 114 tỷ đồng tưới nước rửa đường trong năm 2020 thì cũng không phải anh em tự nghĩ ra, nên chúng ta không phải lo việc đó”, ông Học cho hay.
Trước đó, UBND TP Hà Nội thống nhất kế hoạch tưới nước rửa đường trên cơ sở Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo của các quận huyện. TP Hà Nội đồng ý với việc rửa đường trên nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, hiệu quả, tránh lãng phí, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút và không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác tưới nước rửa đường phải thực hiện sau khi đã hoàn thành công tác quét hè và đường phố tại các khu vực trung tâm, tuyến đường chính, trọng điểm, khu vực thường xuyên tổ chức sự kiện, lễ kỷ niệm, các thời điểm nắng nóng kéo dài, các ngày chất lượng không khí TP được Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo ở mức “kém” trở lên.
Theo quy định việc tưới nước rửa đường thường xuyên được áp dụng đối với các tuyến đường, phố, khu vực thường xuyên phát sinh bụi bẩn, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường sau khi thực hiện các hạng mục công tác duy trì khác.
Việc tưới nước không thường xuyên được Sở Xây dựng quy định thực hiện khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và áp dụng đối với tuyến đường, phố, khu vực tổ chức sự kiện, chống nóng, lễ hội…
Quang Phong