Vì sao Hà Nội không làm cống ngầm xuyên hồ Tây dẫn nước vào sông Tô Lịch?
(Dân trí) - Cơ quan chức năng đã nghiên cứu làm tuyến cống ngầm dưới lòng hồ Tây để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch nhưng phương án này có nhiều nhược điểm và không được chọn.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước sông Hồng từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công để bổ cập nước "hồi sinh" sông Tô Lịch (phương án 1 - phương án được chọn).
Phương án này sẽ bổ cập nước vào sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Với phương án này, trên đường Võ Chí Công sẽ bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, phương án 1 có ưu điểm là tuyến thẳng, đi độc lập và hoàn toàn trên vỉa hè tuyến đường Võ Chí Công.
Ngoài phương án trên, Sở Xây dựng cũng đưa ra một phương án khác (phương án 2) nhưng không được chọn.
Phương án 2 là tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đến khu vực Lotte Mall Tây Hồ đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy để vào hồ Tây.
Từ hồ Đầm Bảy theo đường ống dưới lòng hồ về cửa điều tiết A thoát về cống ngầm TE3, từ đó nước theo cống ngầm TE3 chảy tự nhiên về điểm đầu sông Tô Lịch tại cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Phương án 2 có ưu điểm là hướng tuyến thi công ngắn hơn, bổ cập vào hồ Tây và tận dụng được mương TE3 sẵn có.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, phương án này có nhược điểm là tuyến cống ngầm dưới lòng hồ Tây xả vào mương TE3 tại vị trí cửa xả hồ Tây A khó thi công.
Bên cạnh đó, theo Sở Xây dựng Hà Nội, mương TE3 thoát nước thải cho một phần quận Ba Đình và Tây Hồ (tuyến Phan Đình Phùng và tiểu lưu vực Thụy Khuê). Do đó, nước bổ cập theo phương án này sẽ bị trộn lẫn nước thải chưa được thu gom (khoảng 25.000m3/ngày đêm) theo mương TE3 về sông Tô Lịch.
Về giải pháp kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây là 3,0m3/s; kích thước đường ống dẫn nước đường kính D1200 (bố trí 2 đường ống thép, 1 ống dự phòng có đường kính D1200 đặt trong hộp bằng bê tông cốt thép); dự kiến đặt 3 đập dâng tại vị trí Cống Mọc, cầu Dậu và vị trí trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.
Về phương án qua đê Hữu Hồng, Sở Xây dựng cho hay, tại vị trí tuyến ống cắt qua đê Hữu Hồng (đường An Dương Vương), bố trí 2 đường ống D1200 (dự phòng cho việc nâng công suất trạm bơm lên 5m3/s), chiều dài đường ống qua thân đê dự kiến khoảng 45m.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đào mở đê, xây dựng cống hộp (đổ tại chỗ hoặc đúc sẵn) kích thước 2x (2x2m), lắp đặt đường ống bên trong cống hộp, đắp đất sét đầm chặt xung quanh ống và hoàn trả tường kè bê tông, mặt bằng đường An Dương Vương theo thiết kế ban đầu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9.