1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vì sao Hà Nội "đánh đổi" tòa nhà Pháp cổ lấy cao ốc 11 tầng?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, dãy nhà Pháp cổ gần quảng trường Ba Đình không nằm trong danh mục công trình "cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa"…

Về hiện trạng khu đất này, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khu đất số 61 (lô G1) phố Trần Phú (quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Chủ đầu tư) quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND TP.

Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078 m2, trong đó 1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523 m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ, sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm (tính từ năm 2017).

Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện.

Vì sao Hà Nội đánh đổi tòa nhà Pháp cổ lấy cao ốc 11 tầng? - 1

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, dãy nhà Pháp cổ ở khu đất số 61 phố Trần Phú không nằm trong danh mục công trình "cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" (Ảnh: Hữu Nghị).

"Công trình này không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố" - Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình".

Vì sao Hà Nội đánh đổi tòa nhà Pháp cổ lấy cao ốc 11 tầng? - 2

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận (Ảnh: Hữu Nghị).

Trong đó, lô G1 thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình tại đây chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.

Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn để lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.

Nội dung đề xuất đầu tư xây dựng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo UBND TP Hà Nội gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, sở này đã tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố; đồng thời đề nghị chính quyền sở tại tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan.

Để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, Sở này đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình Đa chức năng (gồm: Tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp), kèm theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Mật độ xây dựng khoảng 50%; 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và 6 tầng hầm; tổng diện tích sàn khoảng 32.306 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023 m2; chiều cao công trình là 42,9 m.

Vì sao Hà Nội đánh đổi tòa nhà Pháp cổ lấy cao ốc 11 tầng? - 3

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND TP giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tổ chức xem xét đánh giá giá trị để đề xuất phương án bảo tồn bức phù điêu nếu cần thiết (Ảnh: Hữu Nghị).

Đến nay, chủ đầu tư đã được các cơ quan liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; có ý kiến thẩm định thiết kế kỹ thuật phần ngầm và cấp Giấy phép xây dựng phần ngầm công trình.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

"Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Xem xét, đánh giá lại giá trị bức phù điêu

Đối với bức phù điêu "Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ" nằm trên bức tường phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND TP giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tổ chức xem xét đánh giá giá trị để đề xuất phương án bảo tồn nếu cần thiết. Có thể phối hợp với chủ đầu tư để đặt tại vị trí phù hợp trong phạm vi khuôn viên dự án.

Như Dân trí đã đưa tin, thời gian gần đây, các công trình mang kiến trúc kiểu Pháp, thấp tầng khu đất số 61 phố Trần Phú bị tháo dỡ để phục vụ dự án công trình đa chức năng, thương mại, khách sạn…

Đặc biệt, đây là công trình mang kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi, còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội. Vị trí của tòa nhà thuộc loại cực đẹp khi nằm ngay gần Quảng trường Ba Đình.

Trên bức tường mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Thông tin trên bức phù điêu cho biết chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1967.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đã đề nghị Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm