Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc phê bình nhiều cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp

Thế Kha

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc phê bình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình tỉnh Vĩnh Phúc và các huyện Tam Đảo, Sông Lô…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành vừa ký Chỉ thị số 06/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc phê bình nhiều cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (Ảnh: Đ.H).

Nhiều cơ quan, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp

Những năm qua, công tác quản lý hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Kết quả giải ngân quý I/2023 ở Vĩnh Phúc dự kiến đạt 14% so với kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc biểu dương Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng tỉnh Vĩnh Phúc và các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương (23,7%).

Đồng thời phê bình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tỷ lệ giải ngân đạt 2,3%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình tỉnh Vĩnh Phúc (3,2%), Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (4,4%) và huyện Tam Đảo (1,7%), Sông Lô (1,9%)… có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh này.

Dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành yêu cầu các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư trên địa bàn chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương,… các dự án đầu tư công. Tăng cường kiểm tra đối với chủ đầu tư, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh này.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Chủ tịch Vĩnh Phúc yêu cầu xây dựng tiến độ giải ngân chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ năm 2023.

Đến hết quý II/2023 phải giải ngân đạt tối thiểu 40%, trong đó đối với các công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trước 31/12/2022 phải hoàn thành hồ sơ thanh toán theo đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí.

Đối với công trình chuyển tiếp phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn bố trí. Các công trình triển khai mới năm 2023 phải triển khai và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công, giải ngân các chi phí tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án. Với trường hợp dự án phải đấu thầu bước tư vấn thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, phải hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp trong quý II/2023; trường hợp dự án vướng mắc không đảm bảo tiến độ, các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến cuối quý III/2023 giải ngân đạt tối thiểu 70% kế hoạch vốn. Đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên.

Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu nêu trên thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; đồng thời, xem xét kết quả thi đua không hoàn thành nhiệm vụ, xem xét trách nhiệm công vụ, trách nhiệm người đứng đầu theo quy định.

"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn đầu tư công có dự án sử dụng vốn sai mục đích, gây thất thoát vốn; không giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao mà không do các nguyên nhân khách quan, phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh", Chỉ thị 06 nêu rõ.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc phê bình nhiều cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp - 2

Huyện Tam Đảo bị phê bình vì có tỷ lệ giải ngân đạt tỷ lệ thấp (Ảnh: D.L).

Nghiêm cấm can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, người có thẩm quyền, đứng đầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thường xuyên nắm bắt thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm vi phạm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu thầu để phát hiện, ngăn chặn và xử lý sai phạm. Kiểm tra các gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu thực hiện chỉ định thầu, có khiếu nại, tố cáo.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc… bổ sung tiêu chí tỷ lệ giải ngân vốn bố trí/kế hoạch vốn bố trí năm và kết quả khắc phục sau kết luận thanh tra, kiểm tra (nếu có) vào trong quá trình xem xét, đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ công vụ của đơn vị, cán bộ trong tháng 12 hằng năm. Kịp thời đề xuất khen thưởng và xử lý kỷ luật công vụ theo quy định của pháp luật.