1. Dòng sự kiện:
  2. Lật tàu thảm khốc ở Quảng Ninh
  3. Bão Wipha (cơn bão số 3)

Vì sao có "khoảng lặng" trước bão Wipha?

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, xung quanh một cơn bão, có vùng mưa rất to kèm theo gió mạnh, sét, nhưng có những vùng chỉ mưa nhỏ, có những vùng trời nhiều mây, không mưa và cũng có những vùng trời hửng nắng.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình vào 10h sáng 22/7, nhiều khu vực dù trong vùng ảnh hưởng của bão Wipha nhưng trời không mưa, có nơi hửng nắng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về hiện tượng này, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong hệ thống mây, ví dụ như hệ thống mây bão thì không phải tất cả vùng mây đều có khả năng gây mưa, mây ở tầng trên cao không gây mưa mà chỉ khiến nhiều khu vực không nắng.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lý giải vì sao có "khoảng lặng" trước bão Wipha (Video: Bạch Huy Thanh - Vũ Thịnh).

Ông Lâm cho hay sáng nay có một số khu vực trời hửng nắng.

"Ngay trong một cơn bão, xét trên toàn bộ các dải mây xung quanh cơn bão thì có vùng mưa rất to kèm theo gió mạnh, dông, sét, nhưng có những vùng chỉ mưa nhỏ, mưa vừa, có những vùng trời nhiều mây, không mưa và cũng có những khu vực trời hửng nắng", ông Lâm phân tích.

Vì sao có khoảng lặng trước bão Wipha? - 1

Một số khu vực ở Hải Phòng hửng nắng trước giờ bão đổ bộ (Ảnh: Hải Long).

Phân tích sâu hơn, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay cơn bão này có cấu trúc mây dạng CDO (Central Dense Overcast) - tức là mây đối lưu dày đặc chủ yếu tập trung ở phía Nam hoàn lưu bão. Đặc điểm của bão Wipha là vùng mây hoàn lưu nằm tập trung chính ở phía Nam tâm bão.

Ngày hôm qua, khi bão đi vào phía Bắc Vịnh Bắc Bộ thì toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội có mưa trong chiều và đêm qua, theo ông Khiêm.

Ông Khiêm nhận định trong diễn biến từ đêm qua đến sáng nay, bão dịch chuyển theo hướng Tây Tây Nam (tức từ dọc vùng biển các tỉnh Quảng Ninh về Hải Phòng, Hưng Yên) và thời điểm 9-10h sáng nay ở ngay trên vùng bờ biển Hưng Yên - Ninh Bình rồi đi vào đất liền.

"Chính vì vậy, cùng với quá trình di chuyển bão Wipha thì vùng mây hoàn lưu của bão cũng dịch chuyển xuống phía Nam", ông Khiêm thông tin.

Vì sao có khoảng lặng trước bão Wipha? - 2

Nhiều khu vực ở Hà Nội trời hửng nắng sáng nay (Ảnh: Mạnh Quân).

Hiện nay, hoàn lưu mây bão đang bao trùm và gây mưa nhiều khu vực như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các tỉnh thành ở phía Bắc hoàn lưu bão đã hết mưa mà sẽ mưa gián đoạn và không lớn như ở phía Nam tâm bão, theo ông Khiêm.

Ông Khiêm nhấn mạnh khi tâm bão đi vào đất liền Hưng Yên - Ninh Bình, dù cường độ bão giảm cấp so với đêm qua, song các khu vực ven biển cần đề phòng với gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

"Với cấp gió như vậy thì hết sức nguy hiểm cho hoạt động trên đường, nguy cơ gãy đổ cây cối. Còn sâu trong đất liền phía Nam Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8", ông Khiêm nói thêm.

Vì sao có khoảng lặng trước bão Wipha? - 3

(Đồ họa: Bạch Huy Thanh - Tuấn Huy)