1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao Chủ tịch phường ở Hà Nội bị phạt đến 56 triệu đồng?

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo cơ quan chức năng, do ông L.H.Q., Chủ tịch UBND phường Trần Phú không ký vào biên bản vi phạm, không xuất trình giấy tờ xe, không chấp hành thổi nồng độ cồn nên đã bị xử phạt ở mức "kịch khung".

Liên quan tới vụ một Chủ tịch phường ở Hà Nội bị phạt 56 triệu đồng vì không chịu đo nồng độ cồn như Dân trí đã đăng tải, thông tin này đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng, tại sao ông L.H.Q., Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chỉ vi phạm nồng độ cồn mà lại bị xử phạt số tiền nhiều tới vậy.

Để trả lời câu hỏi này, ngày 22/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình bị tổ công tác (thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn, ông Q. đã có biểu hiện chống đối, không chấp hành yêu cầu thổi nồng độ cồn của lực lượng chức năng.

Vì sao Chủ tịch phường ở Hà Nội bị phạt đến 56 triệu đồng? - 1

Cảnh sát làm việc với ông L.H.Q., Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh: Văn Hiếu).

Ngoài ra, khi bị yêu cầu xuất trình giấy tờ xe, ông Q. cũng không tuân thủ. Tổ CSGT sau đó đã phải lập biên bản sự việc, yêu cầu ông Q. ký vào biên bản vi phạm, tuy nhiên vị Chủ tịch UBND phường này vẫn không chịu ký biên bản.

"Tổ công tác sau đó vẫn tiến hành lập biên bản vi phạm đối với ông Q. về các lỗi Không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT; Không có giấy phép lái xe; Không có giấy đăng ký xe; Không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Không có bảo hiểm xe, với tổng số tiền phạt là 56 triệu đồng", đại diện Cục CSGT nói.

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 31/8 đến ngày 22/9, các tổ công tác của C08 (Cục CSGT) chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra trật tự an toàn giao thông trên cả nước trên tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".

"Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 110 trường hợp là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe... Qua xác minh, còn có một số người là bí thư, chủ tịch huyện, hoặc một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu", đại diện Cục C08 nói.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, việc ông Q. không chịu ký vào biên bản vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt ở mức "kịch khung" đối với các lỗi vi phạm nêu trên.

Trước đó, lúc 22h ngày 18/9, tổ công tác Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường Giải Phóng (địa phận quận Hoàng Mai), thì phát hiện ô tô con nhãn hiệu Mazda CX5 mang BKS 30H-318.xx, có biểu hiện nghi vấn, nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Quá trình kiểm tra, nam tài xế có biểu hiện không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng. 

Lực lượng CSGT đã lập biên bản tạm giữ ô tô Mazda CX5 mang BKS 30H-318.xx, ra quyết định xử phạt đối với nam tài xế ô tô này về các lỗi: Không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT; Không có giấy phép lái xe; Không có giấy đăng ký xe; Không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Không có bảo hiểm xe.

Đối với các lỗi kể trên, nam tài xế bị phạt 56 triệu đồng.

Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã xác định nam tài xế nêu trên là ông L.H.Q., Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Căn cứ Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định như sau:

Lập biên bản vi phạm hành chính

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm lập biên bản;

b) Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

c) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;

d) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;

đ) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và thời hạn giải trình.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản.

Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Như vậy, trong trường hợp người vi phạm không chịu ký vào biên bản của cảnh sát giao thông thì biên bản được lập theo quy định trên vẫn có hiệu lực pháp luật, người vi phạm vẫn phải đóng phạt đối với lỗi vi phạm của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm