Quảng Bình:
Vì sao chim yến “quay lưng” với Đảo Yến?
(Dân trí) - Thời gian gần đây, chim yến - loài chim từng cư trú dày đặc ở một hòn đảo nhỏ gần cảng Hòn La (Quảng Bình) biến mất dần.
Ngày 25/4,Dân trí hành trình tới Đảo Yến bằng thuyền. Theo ghi nhận của PV, hòn đảo là hai quả đồi dựa lưng vào nhau. Trên đảo chủ yếu là cây bụi, đất đai khô cằn. Hiện trên đảo có 6 người ở, đều là nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa đang tiến hành tìm kiếm, dùng máy móc thiết bị để gọi chim yến trở lại đảo.
Do đất quá cằn và thiếu nước, nhiều loại cây làm thực phẩm được trồng như rau muống cạn, bí đỏ, rau mùi… đều không sống được. Trên đảo có nhiều vết đốt thực bì lởm chởm. Loài cây phổ biến nhất là cây muồng, một loại cây bụi có quả chùm.
Theo các đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa: khi họ đến đây chừng 2 tháng trở về trước, tần suất xuất hiện của chim yến ở các hang trên đảo khá ít ỏi, nguyên nhân do người dân địa phương săn lùng quá ráo riết, cộng với các loài chim kẻ thù tự nhiên như chim cắt, ưng…
Các đại diện này nói rằng họ phải canh chừng, tuần tra suốt ngày đêm để đuổi chim cắt, và thuyết phục dân địa phương không vào hang tìm kiếm tổ yến tránh ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên của loài chim quý này.
Hiện những người này đang sử dụng loại máy đặc dụng để phát tín hiệu gọi chim, đồng thời gắn camera để nắm bắt số lượng chim yến đến đảo.
Cũng theo họ, sắp tới lãnh đạo Công ty cùng với chính quyền xã Quảng Đông sẽ có đợt khảo sát trước khi quyết định đầu tư tái tạo đàn yến và khai thác yến sào tại đây.
Theo nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ, chưa thể đánh giá được tác động của con người đối với sự có mặt của chim yến trên Đảo Yến. Song có một thực tế là quá trình xây dựng cảng Hòn La đã khiến ngư trường tự nhiên thay đổi, các loại cá, mực, tép biển ít xuất hiện sát bờ hơn và cuộc sống của ngư dân gần bờ bị ảnh hưởng đáng kể.
Một số hình ảnh về Đảo Yến do Dân trí ghi lại:
Các bãi đá tạo thành những hình hài gai góc nhìn ra đại dương
Hồng Kỹ