Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X:
Vì sao chỉ có 6 dòng nói đến “Quốc hội đổi mới”?
(Dân trí) - “Những đại biểu quốc hội dám nói vì lợi ích của nhân dân, không “nghị gật”, không “mũ ni che tai” đang ngày càng nhiều lên trong quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là cơ quan quyết định mọi vấn đề trọng đại nhất của đất nước. Thế mà 24 trang dự thảo Báo cáo chính trị chỉ có 6 dòng nói đến đổi mới”. Tại sao lại như vậy?
Phải bảo đảm tính trí tuệ, tính toàn dân của Quốc hội
Quốc hội của ta đang ngày càng đổi mới, ngày càng dân chủ và chuyên nghiệp hơn. Những đại biểu Quốc hội dám nói vì lợi ích của nhân dân, không “nghị gật”, không “mũ ni che tai” đang ngày càng nhiều lên trong quốc hội, mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là một điển hình đáng khâm phục.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là cơ quan quyết định mọi vấn đề trọng đại nhất của đất nước, sau đại hội Đảng. Thế mà 24 trang dự thảo Báo cáo chính trị chỉ có 6 dòng nói đến đổi mới hoạt động của quốc hội, nằm chìm trong phần 8 của báo cáo có tiêu đề “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Hiện nay tỷ lệ đại biểu quốc hội ngoài đảng rất ít, chỉ chiếm khoảng 15%. Như thế không bảo đảm tính chất Quốc hội là cơ quan quyền lực của toàn dân. Trong lịch sử 60 năm Quốc hội của nước ta, cứ thấy tỷ lệ ngoài đảng và trí thức trong Quốc hội giảm dần.
Quốc hội khóa 1 (1946-1960) 403 đại biểu, tri thức 61%, không đảng phái 43%, các đại biểu của các đảng không cộng sản 70 (không qua bầu cử).
Quốc hội khóa 2 (1960-1964) 453 đại biểu, đại biểu đảng viên tăng vọt lên 82,3%, ngoài đảng chỉ còn 17,7%, trí thức còn 28,4%.
Quốc hội khóa 3 (1964-1971) 453 đại biểu, đảng viên 80,6%, ngoài đảng 19,4%, trí thức 26,8%.
Quốc hội khóa 4 (1971-1975) 420 đại biểu, đảng viên 75,4%, ngoài đảng 24,6%, trí thức tụt xuống còn 17,1%.
Quốc hội khóa 5 chỉ kéo dài 2 năm 1975-1976 vì đất nước vừa được thống nhất, 424 đại biểu, đảng viên giảm xuống còn 73%, ngoài đảng tăng lên 27%, trí thức nhỉnh lên một chút 22%.
Quốc hội khóa 6 (1976-1981) 492 đại biểu, đảng viên lại tăng lên 81,4%, ngoài đảng còn 18,6%, trí thức cũng xuống còn 19,9%.
Quốc hội khóa 7 (1981-1987) 496 đại biểu, đảng viên tiếp tục tăng lên 84,12%, ngoài đảng 15,88%, trí thức lại tăng lên chút đỉnh 22,17%.
Quốc hội khóa 8 (1987-1992) 496 đại biểu, mặc dù đất nước đã bắt đầu đổi mới, đảng viên tăng vọt lên 93%, ngoài đảng chỉ còn 7%, trí thức tăng lên chút nữa 24,9%.
Quốc hội khóa 9 (1992-1997) 395 đại biểu, đảng viên vẫn cao 91,6%, ngoài đảng 8,4%, trí thức không thấy thông kê.
Quốc hội khóa 10 (1997-2002) 450 đại biểu, đảng viên xuống một chút, còn 85%, ngoài đảng 15%, trí thức không thấy thống kê.
Quốc hội khóa 11 hiện nay (2002-2007) 498 đại biểu, đảng viên 430 đại biểu (86,6%), ngoài đảng 68 đại biểu (13,4%), trí thức không thấy thống kê.
Tôi cho rằng Quốc hội đổi mới ngoài việc tăng đại biểu chuyên trách lên như dự thảo Báo cáo chính trị nêu, nên có tỷ lệ đại biểu ngoài đảng và đại biểu trí thức bằng được gần như Quốc hội khóa 1 năm 1946: trí thức khoảng 60%, ngoài đảng khoảng 40%, đại biểu tự ứng cử và doanh nghiệp tư nhân, Việt kiều khoảng vài chục đại biểu, chứ không chỉ 2 đại biểu tự ứng cử như hiện nay. Như thế mới bảo đảm tính trí tuệ và tính toàn dân của Quốc hội.
Dứt khoát phải bỏ “sổ hộ khẩu”
Xin Đảng hãy cử một đoàn công tác đi thị sát các nước, xem các nước người ta quản lý cư trú như thế nào, để học tập. Năm ngoái hồi tháng 8, tôi về thăm nhà ở Hà Nội, gặp mấy bạn phóng viên trẻ báo Lao Động đến chơi. Có bạn nói là không có hộ khẩu Hà Nội, nên sống ở Hà Nội, ở đất nước mình, mà cứ như người ngoài hành tinh. Đúng là cười ra nước mắt. Cái chuyện đơn giản như vậy mà sao cứ để đày đọa mãi cho dân mấy chục năm nay. Mấy cải tiến vừa rồi về hộ khẩu cũng chỉ là chắp vá, đối phó, không giải quyết được cơ bản, gốc rễ vấn đề cư trú cho dân. Không “An cư”, thì làm sao có thể “Lạc nghiệp” được?
Cần bỏ đi cụm từ “Thị trường quyền sử dụng đất”
Về phát triển thị trường bất động sản, nếu không có quyền tư hữu về đất đai thì làm sao có thể phát triển được thị trường bất động sản? Vì đảng chủ trương kiên định theo học thuyết Mác-Lênin, nên trong Dự thảo báo cáo thấy dùng cụm từ “thị trường quyền sử dụng đất”.
Trên thế giới không có thị trường đó, cũng không có khái niệm “quyền sở hữu quyền sử dụng đất”. Trên thế giới cũng không bao giờ có chuyện “nhà của tôi” nằm lơ lửng trên một mảnh đất “không phải của tôi”. Chừng nào nước ta chưa giải quyết xong vấn để “quyền sử dụng đất” hay “quyền sở hữu đất”, thì ở nước ta chưa thể nói đến phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, và chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề Sổ đỏ, Sổ xanh... cho dân, và do đó chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề cấp giấy phép xây dựng cho dân.
Lịch sử 4000 năm của nước ta là lịch sử hài hòa giữa quyền tư hữu và công hữu về đất đai. Tước bỏ quyền tư hữu đất đai của nhân dân là tước bỏ đi động lực cơ bản nhất để phát triển kinh tế xã hội.
Cải cách hành chính của ta sở dĩ tiến triển rất chậm có một nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân, là ta không động chạm một cách cơ bản đến 2 vấn đề Sổ hộ khẩu và sở hữu ruộng đất
Giải quyết vấn đề sở hữu ruộng đất không phải chỉ là để giải quyết vấn đề thị trường bất động sản, mà còn là để giải quyết vấn đề động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội, văn hóa - tư tưởng, cũng như vấn đề bảo vệ tổ quốc. Không có quyền tư hữu ruộng đất đó, Trần Hưng Đạo không thể viết được Hịch Tướng Sĩ, vì sẽ lấy đâu ra động lực để kêu gọi tướng sĩ đánh giặc? Không có quyền tư hữu đó, thì Bác Hồ cũng không thể viết được Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, bởi vì ai cũng hiểu rằng lợi ích của tổ quốc cũng là lợi ích của từng người, từng gia đình, chứ không có lợi ích tổ quốc chung chung.
Thế mà sau khi cách mạng thành công, chúng ta đã tước đi cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm đó của nhân dân, cái quyền mà đã tồn tại từ mấy nghìn năm lịch sử, từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay, để cho đất đai không có người chủ cụ thể, bị lãng phí không biết bao nhiêu mà kể, làm đẻ ra những rắc rối chưa từng có trong lịch sử đất nước về Sổ đỏ, Sổ xanh gì đó; còn bọn tham quan thì lợi dụng chế độ công hữu để cướp đất của dân, chia chác cho nhau, gây ra biết bao vụ kiện tụng rắc rối, tiếng kêu oán thán tày trời.
Nguyễn Minh Tuấn
CTV của Dân trí tại Tokyo