Vì sao Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng triển khai với tốc độ... rùa bò?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, lý do khiến Dự án Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 bị chậm tiến độ một phần vì số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều cấp, ngành…

Sáng 25/4, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. 

Vì sao Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng triển khai với tốc độ... rùa bò? - 1

Bảo tàng được xây dựng với tổng số vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng, khởi công ngày 19/5/2008, khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 6/10/2010 (Ảnh: Trọng Trinh).

Tại phiên giải trình, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm) đặt câu hỏi về Bảo tàng Hà Nội. Theo ông Ngọc Anh, giai đoạn 1 của dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010. Giai đoạn 2 gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, tuy nhiên đến nay chưa hoàn thành nên đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và thời gian hoàn thành.

Trả lời câu hỏi nói trên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Đỗ Đình Hồng cho biết, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến tiến độ thực hiện Dự án Bảo tàng Hà Nội, có tổng mức đầu tư là 2.300 tỷ đồng bị chậm tiến độ.

Theo đó, năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều "hội tụ" của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử, mất rất nhiều thời gian.

Vì sao Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng triển khai với tốc độ... rùa bò? - 2

Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng phát biểu tại phiên giải trình (Ảnh: Trọng Toàn).

Năm 2009, thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND TP phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở VH&TT, tới nay là Bảo tàng Hà Nội...

Đặc biệt, khi tiếp cận với công việc này, Sở đã rà soát lại dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành nhiều cấp… Hiện thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng, tiếp đó sẽ báo cáo UBND TP để phê duyệt điều chỉnh dự án này.

"Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu" - ông Hồng cho hay.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, dự án có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường, trong quá trình giải phóng mặt bằng đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9000 m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…

Năm 2007, thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên văn hóa, tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thực hiện. Khó khăn vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thỏa đáng.

Năm 2019, quận Đống Đa đã có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) để báo cáo UBND thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, thành phố đã có văn bản giao Sở QHKT chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết đã cung cấp số liệu dân cư, hiện trạng cho Sở QHKT; trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục phối hợp với Sở thực hiện…

Sau khi nghe đại diện các Sở ngành, địa phương giải trình, đại biểu HĐND TP Vũ Đức Bảo cho rằng các cơ quan liên quan không nên "lòng vòng", đổ lỗi cho nhau mà phải tập trung cải cách hành chính; tập trung làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra các tồn tại nêu trên.

"Cần phải làm rõ thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm giải quyết, thời gian giải quyết và kết quả giải quyết để công bố công khai cho cử tri" - ông Bảo nhấn mạnh.

Không để chậm thực hiện lời hứa với cử tri

Phát biểu bế mạc phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đã có 17 lượt đại biểu đặt câu hỏi, nêu yêu cầu giải trình.

Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực, 6 giám đốc sở, ban, ngành và 9 chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Các lãnh đạo tham gia giải trình cơ bản nắm chắc nội dung, giải trình cụ thể, đúng trọng tâm, báo cáo, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục, nhiều cán bộ nhận trách nhiệm và cam kết tiến độ cụ thể để hoàn thành.

"Sau phiên họp giải trình hôm nay, Thường trực HĐND TP ban hành thông báo kết luận làm cơ sở tổ chức triển khai, giám sát kết quả thực hiện; UBND TP xây dựng kế hoạch cụ thể, trên tinh thần không để chậm, muộn lời hứa với cử tri Thủ đô"- ông Tuấn nhấn mạnh.