1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng có thể bị truy cứu hình sự

(Dân trí) - Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng trong các quy ước bán hàng, quy ước phục vụ. Cấm mọi hành vi quảng cáo, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các hành vi khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ.

Các tổ chức, cá nhân này cần cung cấp thông tin kịp thời, trung thực và chính xác cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp. Đồng thời phải niêm yết công khai giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh.

Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm bảo hành hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm an toàn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời, đưa ra quy định về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một tổ chức xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Trong đó, tổ chức này đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tố cáo tới cơ quan nhà nước; khởi kiện ra tòa khi được người tiêu dùng ủy quyền.

Khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng phải cấp phiếu tiếp nhận khiếu nại và tiến hành giải quyết khiếu nại trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Phiếu tiếp nhận khiếu nại có thể được thực hiện dưới hình thức văn bản hoặc thư điện tử.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tùy theo tính chất, mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm