Vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng
(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Nghị định 33/2017 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Trong đó vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.
Nghị định 33/2017 quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 - 12 tháng.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Về hình thức xử phạt bổ sung, Nghị định 33 quy định tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-24 tháng; đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1-12 tháng; tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác; buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường...
Tại Hội nghị Minh bạch trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sau nhiều năm tham gia rà soát các dự án khai khoáng cùng với các tổ chức phi lợi nhuận quốc gia và quốc tế tại Việt Nam, VCCI nhận thấy hoạt động này hiện đặt ra rất nhiều vấn đề quản lý từ xây dựng khung khổ pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý thực tiễn.
Về luật pháp, các thiết chế pháp lý liên quan đến khai thác khoáng sản tương đối minh bạch, nhưng về quy hoạch thì việc lập và sửa đổi thiếu minh bạch đã khiến những quy định trở nên khó thực thi. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành phải tiếp cận thông tin khoáng sản từ phần lớn là do các mối “quan hệ”, đây là điều khiến cho cơ chế đấu giá thất bại.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị cần được minh bạch về chính sách thuế, cơ chế đấu giá, đấu thầu và nghĩa vụ liên quan theo quy định bởi thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản luôn báo cáo thua lỗ nhưng ngược lại vẫn mở rộng hoạt động. Nghịch lý này cần được làm sáng rõ.
Kha Xuân Lộc