1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vết dầu bí ẩn đã loang đến miền Bắc

Vết dầu loang bí ẩn vừa tấn công đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), sau khi hoành hành một loạt tỉnh miền Trung. Bộ Tài nguyên Môi trường đang làm công hàm gửi một số đại sứ quán đề nghị giúp đỡ tìm nguyên nhân dầu loang.

Tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), theo TTXVN, khoảng 1,5 km quanh đảo đã xuất hiện dầu vón cục với mật độ dày đặc. Nhiều chỗ dầu kết thành đám rộng vài mét vuông. Việc thu gom gặp nhiều khó khăn do chúng bám trên các bãi đá, trộn lẫn với cát. Chính quyền huyện đảo cùng bộ đội đã thu gom được 300 bao tải dầu vón cục.

Tại Khánh Hòa, theo phản ánh của anh Nguyễn Phát, một cư dân sống ven biển Nha Trang, dầu vón cục nằm suốt dọc 20 km bờ biển Nha Trang. Trong khi người dân địa phương vô tư tắm biển thì nhiều du khách bắt đầu e ngại. Phải đến 9h sáng, sau khi lực lượng chức năng thu gom hết dầu, du khách mới dám tắm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, lo ngại nhiều khả năng suốt dọc bờ biển dài 350 km của tỉnh, gồm cả đảo du lịch, cũng có dầu vón cục. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh. “Hiện ngành du lịch và thủy sản chưa có báo cáo về thiệt hại do dầu tràn”, ông Thắng nói.

Nhờ quốc tế tìm nguyên nhân dầu tràn

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, từ đầu tháng 3 đến nay, 13 tỉnh bị ô nhiễm dầu, gồm: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau. Tỉnh mới xuất hiện là Hải Phòng, Khánh Hòa.

Trao đổi với phóng viên chiều 20/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, khoảng 500 km chiều dài bờ biển miền Trung đã bị ô nhiễm dầu với mức độ khác nhau. Hiện chưa xác định nguyên nhân dầu loang, song có 3 giả thuyết. Một là do khai thác từ các giếng dầu thô. Hai là dầu thương phẩm tràn từ các vụ đắm tàu và cuối cùng là do tàu biển xúc rửa cặn bã.

“Cái khó của chúng ta không có phương tiện quan trắc, phương tiện ứng cứu dầu loang cũng như kinh nghiệm xử lý. Bộ Tài nguyên Môi trường một mặt đã tập hợp các nhà khoa học trong nước, một mặt gửi công hàm tới các đại sứ quán nhờ giúp đỡ tìm nguyên nhân cũng như giải pháp ngăn chặn dầu loang”, ông Nguyên nói.

Theo Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên, giải pháp trước mắt là phải tích cực thu gom dầu đưa tới nơi xử lý, phối hợp tìm nguyên nhân và đánh giá mức độ thiệt hại tới thủy sản, môi trường.

Theo Hồng Khánh
Vnexpress