1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vedan không thừa nhận đã “bức tử” sông Thị Vải

(Dân trí) - Trước những cáo buộc của Hội Nông dân Việt Nam và các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên - Môi trường, Công ty Vedan vẫn khăng khăng phủ nhận là thủ phạm chính “giết” sông Thị Vải.

Lời chối tội của Vedan được đưa ra trong cuộc họp “Thống nhất các nội dung liên quan đến kết quả xác định, phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan gây ra”, diễn ra rất căng thẳng tại Tổng cục Môi trường (Hà Nội).

Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) cùng các địa phương liên quan: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức thống nhất với kết luận Báo cáo kết quả kiểm tra kỹ thuật về hiện trạng môi trường nước sông Thị Vải, do Viện Môi trường và Tài nguyên (MT-TN) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện: Vedan đóng góp 89% ô nhiễm sông Thị Vải. Tuy nhiên đại diện của Vedan, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc, vẫn một một mực phủ nhận kết quả trên.

Vedan không thừa nhận đã “bức tử” sông Thị Vải - 1
 Sông Thị Vải bị "bức tử" gây  thiệt hại nặng nề cho nông dân
 
Ông này cho rằng Vedan chỉ gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải với phạm vi khoảng 10-11km chiều dài.

Phản biện kết luận mức độ gây ô nhiễm vì lý do chưa thể kiểm chứng được dữ liệu đầu vào của báo cáo do Viện TN-MT tiến hành, ông Yang đưa ra nhiều biện hộ như: báo cáo chỉ lấy mẫu nghiên cứu trong tình trạng Vedan xả nước thải không bình thường; báo cáo chưa đề cập mức độ ô nhiễm do phía thượng nguồn sông gây ra; ngoài Vedan thì có thể những khu công nghiệp dọc sông Thị Vải cũng có hành vi tương tự; những tác nhân gây ô nhiễm như: nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản…

Phản ứng gay gắt thái độ của đại diện Vedan, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng - một trong số các tác giả của bản báo cáo - cáo buộc: Vedan đang cố tình né tránh những thông số mức độ gây ô nhiễm các nhà khoa học đã đưa ra.

Về việc Vedan đòi tiến hành khảo sát, đánh giá lại, GS-TS Lê Quốc Hùng, Viện Hóa học - Viện Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết: “Đây là vấn đề của lịch sử nên cần phải dựa trên số liệu của quá khứ mới đánh giá được, còn hiện tại thì không thể đo được hiện trạng đó nữa”.
 
Về phía Viện TN-MT, PGS-TS Bùi Tá Long cũng khẳng định, bản báo cáo dựa trên những chứng cứ đầy thuyết phục về tải lượng của từng khu công nghiệp trên từng năm từ năm 1996 trở về đây. Các nhà khoa học sẽ làm bản báo cáo chi tiết nếu Vedan có yêu cầu. Ông Long cũng nhấn mạnh: “Nước thải của Vedan quá độc hại. Chính vì thế, chỉ riêng Vedan cũng đủ “giết chết” sông Thị Vải!”.

“Không có khu công nghiệp nào có hệ thống xả trộm, xả lén giống như Vedan” - Đại điện cơ quan quản lý, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, Lương Duy Hanh cũng khẳng định gay gắt. Theo đó ông Hanh cho rằng bằng những nội dung kỹ thuật, cơ quan chức năng sẽ buộc Vedan phải nhận mức độ đóng góp gây ô nhiễm rất lớn.

Kết thúc buổi họp với nhiều bức bối chưa được giải toả, đại diện Hội Nông dân Việt Nam và các thành viên tham dự đều đưa ra kiến nghị với Bộ TN-MT sớm công bố kết quả xác định mức độ vi phạm và trách nhiệm Công ty Vedan đối với hành vi gây ô nhễm nặng nề đến sông Thị Vải; từ đó buộc công ty này phải bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

P. Thanh - M. Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm