Nghệ An:
Vé Tàu khan hiếm sau Tết, nhiều người đành lùi ngày rời quê
(Dân trí) - Vé tàu sau Tết trở nên khan hiếm khi nhu cầu đi lại bằng loại hình phương tiện này tăng cao. Nhiều hành khách Nghệ An đành phải lùi lại lịch rời quê hoặc chuyển sang loại hình vận tải khác vì không mua được vé tàu.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, chiều ngày 22/2 (tức Mùng 7 tháng Giêng) tại khu vực nhà chờ Ga Vinh (TP.Vinh, Nghệ An) có rất đông người dân lỉnh kỉnh hành lí để rời quê sau kì nghỉ Tết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bắt xe khách xuống Vinh từ sớm để kịp giờ tàu chạy vào TP. Hồ Chí Minh. “Mấy năm vợ chồng tôi mới về quê ăn Tết được 1 lần. Nhà có con nhỏ nên đi tàu cho yên tâm. Sợ Tết nhất vé tàu khan hiếm nên phải đặt từ hồi tháng 9 âm lịch, gần 2 triệu đồng/vé. Cũng may là đặt được vé từ trước chứ đợi đến ra Tết thì khó mà mua được vé”, chị Tâm nói.
Không may mắn như gia đình chị Tâm, em Phạm Hồng Thái (TP.Vinh) sau một hồi xếp hàng cũng không mua được vé tàu đi trong mấy ngày tới. “Nhân viên nhà ga thông báo vé đi TP. Hồ Chí Minh đã hết, kể cả ghế cứng và ghế phụ. Đến ngày 27, 28/2 cũng không còn vé. Em phải xin nghỉ học 1 tuần để lùi qua Rằm mới vào”, Thái cho biết. Nhận đi mua vé cho cả người cậu nhưng Thái chỉ có thể mua được 1 vé cho mình vào đầu tháng sau.
Vé khan hiếm trong khi giá vé “chợ đen” tăng cao nên anh Phạm Văn Nhật (TP.Vinh) quyết định lùi ngày xuất hành vào Nam thêm 1 tuần lễ để chờ mua vé. “Cũng phải chấp nhận thôi vì nhà có trẻ con, đi ô tô khách không tiện. Mà mình cũng sơ suất, không lường trước tình huống như thế này. Giá vé “chợ đen” Vinh – Sài Gòn lên tới hơn 3 triệu đồng, mua hai vé mất đến gần 7 triệu, thu nhập công nhân không kham nổi”, nam hành khách này chia sẻ.
Sau 1 năm làm việc xa quê, chị Đặng Hoài Thương (Yên Thành, Nghệ An) quyết định về quê ăn Tết. Dù đã “săn” vé máy bay trước 3 tháng nhưng chị Thương vẫn phải chi số tiền 3,5 triệu đồng cho hành trình Sài Gòn – Vinh để về quê. “Nếu đi cũng bằng máy bay thì cả đi lẫn về là 7 triệu đồng, mất nguyên một tháng lương rồi”, chị Thương cho biết.
Để chủ động cho chặng đường Nghệ An – Sài Gòn sau kì nghỉ Tết, vừa tiết kiệm một phần chi phí, lần này chị Thương chọn đi ô tô. “Ở huyện Yên Thành cũng có nhiều nhà xe chạy thẳng vào Sài Gòn nên cũng có nhiều lựa chọn hơn. Giá vé 1,5 triệu đồng/lượt cũng không phải là quá đắt nhưng để “giữ chỗ” tôi phải đặt cọc trước 500 nghìn đồng”.
Chặng đường Vinh – Hà Nội không quá dài nên nhiều người chọn đi ô tô. Hầu hết các hành khách ở huyện đã đặt vé các nhà xe quen từ trước để chủ động thời gian. Theo ghi nhận của PV Dân trí, giá vé xe khách tuyến Vinh – Hà Nội sau Tết nguyên đán có tăng từ 20-25% so với ngày thường.
Trong khi đó, để giữ chân công nhân, một số công ty tại Bắc Ninh, Hà Nội tổ chức xe đưa đón công nhân về Tết với giá vé hết sức ưu đãi, thậm chí, cả hành trình đi – về chưa bằng 1 nửa giá vé chặng Vinh – Hà Nội sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên, các xe này chỉ đón khách ở khu vực trung tâm. Bởi vậy, khách từ các huyện phải chủ động đi tới điểm đón xe từ sớm.
Từ Thanh Chương, chị Đinh Thị Sen được người nhà chở xuống ngã tư quốc lộ 46 giao cắt đường tránh TP.Vinh (Nghệ An). Tại đây cũng đã có khoảng 10 người là công nhân công ty Sam Sung (có trụ sở tại Bắc Ninh) đang chờ đón xe.
“Từ 3 năm nay công ty tổ chức xe đưa đón công nhân về ăn Tết. Giá vé cả hai chặng chỉ 140 nghìn đồng, xe rộng rãi, không dừng bắt khách dọc đường. 10h sáng ngày Mùng 7 xuất phát thì cuối chiều chúng tôi đã có mặt tại Bắc Ninh để bắt đầu cho ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết”, chị Sen cho hay.
Hoàng Lam