Về nơi người dân sống lo sạt lở, chết không có đường đi chôn
(Dân trí) - Hàng chục hộ dân ở bản tái định cư của dự án thủy điện nghìn tỷ tại Thanh Hóa đang sống trong thấp thỏm, lo âu vì sạt lở, chết không có đường đi chôn.
Thủy điện nghìn tỷ "đắp chiếu"
Năm 2010, dự án thủy điện Hồi Xuân chính thức được triển khai xây dựng tại huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, có công suất thiết kế 102MW.
Tuy nhiên, 11 năm từ ngày khởi công, dự án thủy điện Hồi Xuân hiện vẫn là một đại công trường dang dở, máy móc ngổn ngang bên dòng sông Mã.
Đại công trường nghìn tỷ gần như không một bóng công nhân làm việc, từ nhà điều hành đến nhà kho, phân xưởng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Phía bên trong công trường, nhiều cấu kiện, vật liệu, máy móc phơi nắng, mưa suốt nhiều năm qua. Theo quan sát, nhiều hạng mục chính của dự án đã cơ bản hoàn thành.
Hiện nay, dự án còn "nợ" nhiều hạng mục như công trình đường chống ngập ở các bản Phé, Mý, Bá (xã Phú Xuân); bản Chiềng (xã Phú Sơn), cầu treo Phú Xuân và cầu treo Chiềng. Ngoài ra, 5 công trình trường học, trạm y tế phải hoàn trả vẫn chưa có tiền chi trả cho UBND huyện Quan Hóa để thi công.
Tại khu tái định cư bản Sa Lắng (xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa), dự án dừng thi công khiến người dân nơi đây đang rơi vào cảnh sống thấp thỏm, lo âu.
Sa Lắng không "yên ắng"
Suốt hai năm qua, kể từ ngày dọn lên ở khu tái định cư, 53 hộ dân tại bản Sa Lắng vẫn chưa thể yên tâm ổn định cuộc sống. Mặt khác, họ đang phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa bão về.
Ghé thăm bản tái định cư Sa Lắng, cách duy nhất vào đây vẫn là phải đi đò qua sông Mã. Gặp chúng tôi, trưởng bản Cao Thanh Bình trút tâm tư.
Anh thở dài: "Vậy là dự án đã chính thức dừng hoạt động. Dự án đang nợ bản chúng tôi nhiều lắm. Hai năm lên đây tái định cư nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm sinh sống".
Trước khi lên khu tái định cư, chủ đầu tư Thủy điện Hồi Xuân cam kết sẽ hoàn thiện các hạng mục như: Kè chống sạt lở taluy âm, dương; xây nhà văn hóa mới, làm đường giao thông xuống bến đò, sân thể thao; hỗ trợ tái định cư; làm đường ra nghĩa trang. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, những hạng mục này vẫn chưa được triển khai khiến người dân bức xúc.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh bản, anh Bình tỏ ra lo lắng nhất vẫn là hai vách ta luy (âm, dương) chưa được kè chống sạt lở. Mùa mưa bão đến, hơn 200 nhân khẩu bản Sa Lắng lại đứng ngồi không yên, sạt lở rình rập.
"Chưa có bờ kè, tôi phải dựng nhà cách xa ta luy. Mới lên hai năm mà năm nào cũng có hiện tượng sạt lở rồi, may là sạt nhẹ chứ không khó biết hậu quả thế nào nữa. Chúng tôi mong lắm thủy điện Hồi Xuân kè lại bờ vách taluy, chứ sống mãi cảnh lo âu, sợ hãi thế này người dân mệt lắm rồi" - ông Cao Văn Uân (57 tuổi, bản Sa Lắng) than.
Theo chia sẻ từ người dân, không chỉ sống trong cảnh lo sợ vì sạt lở, người dân nơi đây bức xúc trước thực trạng không có nhà văn hóa. Do không có nhà văn hóa nên mỗi khi họp, họ phải đi nhờ nhà dân. Nhà dân chật hẹp khiến mọi sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, bất tiện.
Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy, ngay cả việc tổ chức ma chay cho người chết ở bản cũng trong tình trạng "dở khóc, dở cười". Khu tái định cư mới Sa Lắng nằm cách nghĩa trang chừng 1 km. Tuy nhiên, mỗi khi bản có người chết, người dân nơi đây phải vất vả men theo dòng sông Mã đi đưa tang.
"Thực trạng hiện nay, chúng tôi chưa có đường đưa người chết đi chôn cất. Nhiều lần chúng tôi xác định phải dùng thuyền, bè để đưa tang nếu lũ dâng cao. Đường ra nghĩa trang cũng là hạng mục mà thủy điện Hồi Xuân phải hoàn trả cho người dân mà vẫn... nợ", Trưởng bản Cao Thanh Bình cho hay.
Trước thực trạng trên, nhiều lần chính quyền địa phương đã "cầu cứu" các cấp lãnh đạo từ huyện đến tỉnh. Và suốt nhiều năm qua, người dân cũng chỉ biết chờ đợi.
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa) cho biết: "Sa Lắng tuy đã ổn định nhưng cuộc sống còn nhiều vất vả do ảnh hưởng của thủy điện Hồi Xuân. Hiện nhà đầu tư đang nợ một số hạng mục tại khu tái định cư. Chúng tôi cùng các cấp chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Dự án gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân".
Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện Quan Hóa đã có công văn gửi Huyện ủy Quan Hóa để có phương án phù hợp trình tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết để đảm bảo cuộc sống cho người dân nơi đây.