1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Về miền Tây xem tát đìa, dỡ chà ăn tết

(Dân trí) - Gần đến tết, nhiều nông dân ở miền Tây tát đìa, dỡ chà chuẩn bị cá, tôm ăn tết. Đây là cách bắt cá truyền thống mang nét đặc trưng riêng của người dân vùng sông nước Cửu Long.

Về miền Tây ngắm tát đìa, dở chà ăn tết

Ngày 27 tháng chạp, gia đình ông Nguyễn Văn Được ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang ra đìa (ao – PV) cá phía trước nhà để tát bắt cá. Bây giờ không còn nhiều cá tôm như trước nên gia đình phải nuôi mới có cá.
 
Ông Được cho biết: “Hơn chục năm trước cá tôm nhiều lắm nên tát đìa xong đem ra chợ bán kiếm tiền xài tết. Bây giờ chẳng còn cá tôm bao nhiều nên phải nuôi mới có cá. Tát đìa trong dịp tết chủ yếu bán kiếm tiền mua sắm và có cá để dành ăn tết, tiếp khách”.
 
Do làm lúa 3 vụ/năm, sử dụng thuốc hóa học nên cá tôm bây giờ đã khan hiếm nhiều đìa đồng ở miền Tây cũng ít dần. Tuy nhiên, nhiều lão nông vẫn để dành một phần đất nhỏ ở góc ruộng làm cái đìa nhằm hứng cá mỗi mùa nước trên đồng rút hết.
 
Ông Võ Văn Kiếm, ngụ xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cũng chọn ngày gần tết để tát đìa. Ông Kiếm cho biết: “Mấy chục năm nay cái đìa ở sau nhà tui đều chọn dịp tết để tát kiếm cá ăn. Nguồn cá tự nhiên chẳng còn bao nhiêu nên tát chủ yếu để dành ăn trong mấy ngày tết”.

Ngoài tát đìa, người miền Tây còn có cách bắt cá truyền thống khác là dỡ chà. Trước đây, hầu như nhà nào cũng chất chà cặp bến sông trước nhà mình “dụ” cá vào ở. Chà thường làm bằng cây trâm bầu, tre được bó lại chất ngay mé sông làm nơi trú ẩn cho cá, tôm. Cứ 2 hay 3 tháng người ta sẽ dùng lưới bao xung quanh để dỡ chà bắt cá.

Ông Lê Thành Lượm ngụ xã Giai Xuân (huyện phong Điền, TP. Cần Thơ) cho biết: “Chất chà để tới tháng 10 và tháng Chạp thu hoạch là có nhiều cá tôm nhất. Dịp tết người ta dỡ chà để đem ra chợ bán sắm tết và có cá dùng trong mấy ngày tết, biếu bà con chóm xóm. Tuy nhiên nếu trước đây lượng đống chà 10 thì nay chỉ còn 1 thôi vì cá tôm chẳng còn bao nhiêu”. Mặc dù vậy, nhiều người ở vùng sông nước vẫn còn giữ cách chất chà như nét văn hóa truyền thống mỗi dịp tết đến.

Những ngày cuối năm lão nông Tám Hổ (Trần Văn Hổ ngụ xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) gọi thêm 2 người hàng xóm đến dỡ chà. Tám Hổ kể: “Người dân vùng này từ xa xưa đã biết cách dùng chà, lục bình chất ngay mé sông để dụ cá, tôm vào ở. Đây là cách bắt cá rất hiệu quả vì cá tôm ở ngoài thấy có đống chà là lũ lượt kéo đến trú ngụ”.

Tám Hổ cùng 2 ông bạn hàng xóm phải lặn xung quanh đống chà để giăng lưới bao vây nhằm không cho cá chạy thoát ra sông. Xong là tới công đoạn dở hết các bó chà là cây trâm bầu, bó trúc đã để khô rụng hết lá chất sẵn nằm phía trong lưới. Vừa dỡ mấy bó chà đầu tiên, bị động nên cá nhảy lên khỏi mặt nước định thoát thân nhưng bị lưới giăng xung quanh chặn lại.

Sau hơn 2 giờ vật lộn với đống chà, cuối cùng dàn lưới cũng được thu gom lại thành rọ để thu hoạch cá. Rất nhiều loại cá như: mè vinh, rô phi, lóc, chạch lấu… Cuối cùng cả nhóm chỉ thu hoạch hơn 5kg cá các loại. “Ngày trước dở chà kiếm cả trăm ký cá các loại nhưng giờ càng ít dần không biết mai sau có ai còn chất chà nữa hay không”- Tám Hổ nói mà giọng buồn buồn. Bây giờ đi khắp nơi, hình ảnh tát đìa, dỡ chà trong những ngày giáp tết cũng hiếm dần.

Kéo lưới lên  khỏi mặt nước để chuẩn bị dở chà.
Kéo lưới lên  khỏi mặt nước để chuẩn bị dỡ chà.

Từng bó chà được đưa lên khỏi mặt nước.
Từng bó chà được đưa lên khỏi mặt nước.

Kéo lưới để cho cá vào rọ
Kéo lưới để cho cá vào rọ
Kéo lưới để cho cá vào rọ
 
... và bắt cá
... và bắt cá
... và bắt cá

Minh Giang