1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Về Mao Xá nghe chuyện khởi nghĩa những ngày tháng 8

(Dân trí) - Địch liên tục đàn áp và khủng bố, nhiều cán bộ cách mạng bị bắt vào tù, nhưng không vì thế mà phong trào cách mạng địa phương đi xuống. Với tinh thần cách mạng quật cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã làm nên những ngày tháng 8 lịch sử.

Làng Mao Xá (ngày nay gồm 2 thôn Toán Ty và Toán Hàng), xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) là nơi mà cách đây tròn 66 năm, cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Thanh Hóa được phát động và dành thắng lợi hoàn toàn. 

Vừa nghe đặt vấn đề, cán bộ xã Thiệu Toán hào hứng dẫn chúng tôi vào thăm gia đình cụ Lê Văn Mưu, ở làng Mao Xá ngày ấy. Năm nay đã 86 tuổi, cụ là một trong những nhân chứng trực tiếp tham gia trong ngày khởi nghĩa cướp chính quyền tại huyện Thiệu Hóa năm 1945. 

Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày tháng 8 lịch sử này, căn nhà nhỏ của cụ thường tiếp nhiều đoàn cán bộ và khách ghé thăm. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Mưu vẫn còn rất minh mẫn. Như được khơi lại những ký ức về một thời gian khổ nhưng hào hùng, cụ Mưu ôn tồn kể lại những ký ức về những ngày khởi nghĩa trên quê hương cách mạng Thiệu Toán.

Về Mao Xá nghe chuyện khởi nghĩa những ngày tháng 8    - 1
Cụ Lê Văn Mưu nhớ lại những ký ức một thời

Từ năm 1927, ở xã Thiệu Toán đã có tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng tại Thanh Hóa, gồm 3 người, tổ trưởng là cụ Lê Công Thanh. Đến năm 1929, địch bắt bớ, khủng bố nhiều nên cụ Thanh tránh ra Hà Nam và gia nhập Đảng cộng sản Bắc kỳ rồi làm bí thư tỉnh Hà Nam.

Phong trào cách mạng tạm yên ắng, sau khi cụ Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch mặt trận tổ quốc của tỉnh Thanh Hóa bị bắt giam cuối năm 1931. Cũng lúc này, có một người cách mạng ra tù được cụ Thủy giới thiệu về và chỉ chỗ cất dấu tài liệu để hoạt động. Từ đó phong trào lại tiếp tục được nhen nhóm trở lại.

Đến năm 1934, tổ chức mới được củng cố mạnh nhờ sự thoát ly của cụ Nguyễn Tạo từ Hà Nội về Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, cụ Lê Chủ và Bùi Đạt bắt liên lạc và đưa cụ Nguyễn Tạo về nhà và cụ Tạo đã tổ chức lớp học bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng cho các cán bộ địa phương.

Sau lớp học này, năm 1934, cụ Nguyễn Tạo đứng ra tổ chức Tỉnh ủy do đồng chí Lê Chủ làm Bí thư lâm thời. Từ khi có tổ chức Tỉnh ủy, phong trào tương tế ái hữu do Đảng lãnh đạo phát triển rất mạnh. Trong đó làng Mao Xá, Cựu Thôn (Thiệu Toán) có đến 90% quần chúng tham gia.

Phong trào đã phát triển mạnh nên đến ngày 14/7/1939, Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Văn chỉ Hàng tổng có sự hỗ trợ của các tổ chức đảng cơ sở ở xã Thiệu Toán, sau đó đoàn biểu tình kéo về chợ Đu (xã Thiệu Chính) để lại băng rôn, cờ biểu ngữ rồi giải tán theo chợ. Cuộc mít tinh an toàn do lý trưởng và cai tổng là người của ta nên không ai báo quan.

Những cái tên, những ký ức, những sự kiện được cụ kể rành rọt, khiến người nghe như được sống lại những ngày quật khởi, dừng lại chốc lát nhấp chén nước chè xanh, giọng cụ lại vang lên: “Hồi đó tôi 14 tuổi, cũng tham gia trong đoàn biểu tình, sau khi giải tán, quân lính có lên nhưng tôi còn nhỏ nên chúng không làm gì cả. Bố tôi là cụ Lê Văn Đàm, là một trong 3 người trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng tham gia trong đoàn mít tinh ngày hôm đó”.

Sau năm 1939, địch khủng bố, nhiều cán bộ bị bắt. Đến đầu năm 1940, phong trào tạm lắng xuống. Rồi cụ Lê Huy Toán (1 trong 3 của của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng tại Thanh Hóa) đi kêu gọi, chiêu tập cán bộ các huyện lân cận để kiểm điểm lại phong trào và nhận xét tình hình phong trào sau khi bị khủng bố. Sau đó cụ Toán được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

Phong trào cách mạng, các tổ chức tự vệ phản đế cứu quốc phát triển mạnh thu hút 2/3 làng trong xã tham gia. Cuối năm 1941, địch bắt đầu các cuộc khủng bố do thời điểm đó, Tỉnh ủy chủ trương miễn giảm thuế và quần chúng tổ chức nhiều cuộc mít tinh công khai mạnh mẽ nên địch đã khủng bố. Trước tình hình đó, tỉnh ủy chủ trương cho các cán bộ thoát ly. Làng Mao Xá, Cựu Thôn có khoảng 40 - 50 cán bộ đến ở trong các gia đình.

Kể đến đây, giọng cụ chùng xuống như để tưởng nhớ những cán bộ cách mạng ưu tú ngày ấy: "Ngoài việc lùng bắt cán bộ, địch còn cho lính tịch biên tài sản, đốt nhà và cướp bóc. Trong năm 1941, chúng liên tục dùng nhiều thủ đoạn để lùng sục và bắt cán bộ cách mạng. Chỉ tính riêng tại hai làng Mao Xá và Cựu Thôn đã có 20 cán bộ bị bắt, khiến phong trào lắng xuống và không còn liên lạc với cấp trên".

Cuối năm 1942, các cụ như Hoàng Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Tố Hữu, Hoàng Xung Phong về Thanh Hóa tổ chức một ban lâm thời để hoạt động, các cụ còn về xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa) để chắp nối các phong trào. Và trong hai năm 1942, 1943 mới xây dựng được cơ sở lúc đầu là Thanh Hóa ái quốc hội (vì lúc này chưa liên lạc được với cấp trên nên chưa biết có tổ chức Tổng bộ Việt Minh ở cấp trên).

Năm 1944, về tổ chức, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa đã có huyện ủy do đồng chí Ngô Đức làm Bí thư và Tổng ủy Xuân Lai do đồng chí Lê Thái Bình làm Bí thư, thời điểm đó cụ Mưu ở trong thường vụ Tổng ủy Xuân Lai.

Về Mao Xá nghe chuyện khởi nghĩa những ngày tháng 8    - 2
Nhà truyền thống cách mạng xã Thiệu Toán - nơi lưu giữ những truyền thống trên quê hương cách mạng

Sang tháng giêng năm 1945, tổ chức lãnh đạo đã hoàn chỉnh, nên các tổ chức tự vệ lần lượt ra đời và mua sắm vũ khí chủ yếu là dao, kiếm đã hoàn tất.

Điều kiện để tỉnh ủy Thanh Hóa chọn làng Mao Xá để tổ chức cuộc họp phát động khởi nghĩa cướp chính quyền là: Thời điểm đó, xã Thiệu Toán đã thành lập chính quyền của cách mạng và tuyên bố bỏ ngũ hương ở các làng, bộ máy chính quyền của địch không còn; các xã lân cận có một lực lượng tự vệ tương đối vững vàng, chiến đấu kiên cường; tổ chức cơ sở vững mạnh.

Trong các ngày từ ngày 13 - 15/8/1945, tại gia đình cụ Tô Đình Bảng, tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch và phát động cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tại cuộc họp này, tỉnh ủy đã chọn thời điểm đêm ngày 18/8 sẽ đồng loạt khởi nghĩa cướp chính quyền.

Tại huyện Thiệu Hóa, ngày 17/8, huyện ủy Thiệu Hóa họp và phân công kế hoạch chiến đấu. Xác định Thiệu Hoá là huyện có phong trào cách mạng phát triển mạnh nên địch cử một trung đội được trang bị súng ống để bảo vệ không cho quân ta từ các huyện đồng bằng hỗ trợ lên các huyện miền núi. Ngay từ tối 18/8, các đơn vị trên địa bàn huyện Thiệu Hóa chia làm hai cánh tiến đánh trường học nơi có địch tập trung và phủ đường bắt hàng ngàn quan lại.

Đúng như kế hoạch đã vạch ra, cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Thanh Hóa đã diễn ra đồng loạt góp phần làm nên những ngày tháng 8 lịch sử.

Duy Tuyên - Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm