1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Về làng nghề chuyên "xử" “cậu ông trời” ở Hà Nội

(Dân trí) - Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về một làng nghề chuyên làm thịt "cậu ông trời", thôn Thái Bình, Thọ Xuân, Đan Phượng (Hà Nội) khá yên tĩnh núp sau những đám cây cổ thụ. Bao đời nay, ruốc cóc làng Thái Bình đã trở thành một thương hiệu.

Xuôi theo Quốc lộ 32 từ trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội về tới bến xe Phùng, hỏi đường về làng ruốc cóc, người ta sẽ chỉ vào con đường dẫn về thôn Thái Bình, Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội.

Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về một làng nghề chuyên làm thịt "cậu ông trời", thôn Thái Bình, Thọ Xuân, Đan Phượng là một làng quê thanh bình còn lưu giữ được khá nhiều nét cổ kính của một làng quê thuần Việt với bóng cây cổ thụ và thấp thoáng những mảnh ruộng xanh mơn mởn.

Ruốc cóc từ làng Thái Bình tủa đi khắp mọi nơi.
Ruốc cóc từ làng Thái Bình tủa đi khắp mọi nơi.

Thôn Thái Bình có hơn 300 ngôi nhà thì có tới hơn 80% số đó hành nghề làm ruốc cóc. Ở đây đi tới đâu cũng thấy người ta nhắc đến "ruốc cóc". Đến đầu thôn, chúng tôi bắt gặp vài ba đứa trẻ đang chơi đùa "ai ruốc cóc đây", trẻ con cũng bắt chước công việc của bố mẹ chúng.

Đầu giờ chiều, lướt qua mấy ngôi nhà trong xóm, thấy nhà nào cũng đóng kín cửa, im phăng phắc, tôi ngạc nhiên hỏi mấy cụ già ở đầu ngõ thì được biết người trong làng đi bán ruốc cóc hết, phải tối khuya mới về.

Ông Lê Văn Tiệp -  Trưởng thôn Thái Bình - cho biết: “Ở đây hầu như nhà nào cũng có người làm ruốc cóc, đó là nghề truyền thống. Nó là nghề đóng góp chính vào nguồn thu nhập của hầu hết các hộ dân. Những ngôi nhà tầng khang trang cũng nhờ cả vào ruốc cóc đấy”.

Được biết, có những hộ gia đình chỉ dựa vào ruốc cóc mà vừa xây được nhà tầng vừa nuôi con ăn học. Tiêu biểu như gia đình anh Nhài - Kết. Gia đình anh cả hai vợ chồng đều hành nghề ruốc cóc từ hơn chục năm nay. Hai vợ chồng anh thường xuyên đi xa nhà có khi là cả tháng để bán thứ ruốc được chế biến tinh tế này. Nhờ vào đó, anh chị không những xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang mà còn nuôi con ăn học đại học.

Trung bình cứ khoảng 10kg cóc sống sẽ chế biến được 1kg ruốc cóc.
Trung bình cứ khoảng 10kg cóc sống sẽ chế biến được 1kg ruốc cóc.

Tại thôn Thái Bình, có nhà có tới cả ba thế hệ đều làm nghề này. Điển hình như nhà bà Huệ. Bà Huệ là một trong số hơn chục người lớn tuổi nhưng vẫn hành nghề. Bà đã ngoài 70 tuổi và có thâm niên trong nghề. Thỉnh thoảng bà vẫn cùng con trai, con dâu, có khi là cả đứa cháu gần hai mươi tuổi, đi hành nghề khi có khách đặt hàng trước...

Chúng tôi đến “đại lý cóc”, nơi chuyên cung cấp cóc sống trong làng. Chị Hòa chủ "đại lý cóc", cho biết, cóc ở đây có được là nhờ có hẳn một đầu mối chuyên thu gom, có khi là những người đi bán cóc xa tiện thể họ mua của người dân, rồi vận chuyển từ khắp các nơi về, chủ yếu là ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng... xa nhất là từ Tây Nguyên. Hàng tháng, thậm chí là hàng tuần, sẽ có hẳn xe ô tô chở cóc về giao.

"Cứ sáng sớm là mọi người ra lấy cóc sống để đi chợ, khoảng vài tạ cóc sống mỗi ngày. Có lúc ế ẩm thì khoảng tuần mới bán được tạ. Cóc có thể sống rất lâu nên không nuôi bằng gì cả nhưng cóc sống hiện nay rất đắt đỏ và khan hiếm do ngoài mục đích làm ruốc những con cóc còn là loại thức ăn phổ biến của các trang trại nuôi rắn, baba... Hiện tại giá cóc khoảng 100.000 đến 150.000/kg. Trung bình cứ khoảng 10kg cóc sống sẽ chế biến được 1kg ruốc cóc nên ruốc rất đắt, người bán hàng chẳng lãi được là bao".

Trung bình cứ khoảng 10kg cóc sống sẽ chế biến được 1kg ruốc cóc.
Việc chế biến ruốc cóc hết sức công phu nhưng đều từ kinh nghiệm nên rất khó để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Anh Lê Văn Kết, người thôn Thái Bình, than thở với chúng tôi về cái nghề làm ruốc cóc thời nay cũng khá khó khăn. Có khi vợ chồng anh đi bán ở xa đến hai tuần mà chưa bán được một lạng ruốc nào chỉ vì thông tin ruốc cóc bị tẩm ướp hóa chất. “Tôi làm nghề tôi biết rất khó có chuyện tẩm hóa chất vào ruốc cóc vì chế biến ruốc cóc rất lâu và cầu kỳ. Thường khi nào khách đặt hàng, người bán làm ngay tại chỗ”, anh Kết nói.

Những người chuyên làm ruốc cóc tại làng Thái Bình cho biết thịt cóc, đặc biệt là xương cóc là một loại thực phẩm rất giàu chất đạm, canxi. Tuy nhiên, cách chế biến cóc đảm bảo an toàn thì không phải ai cũng có thể làm được.

Theo dân gian, thịt cóc là bài thuốc có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người, thịt và xương cóc dùng để làm thuốc chữa bệnh còi xương ở trẻ em, tăng sức đề kháng, sạch cam sài, đỡ mồ hôi trộm, phụ nữ sau sinh thì lưu thông khí huyết, người già nhờ loại thực phẩm này cũng cứng gân, bền cốt, chống được bệnh loãng xương...

Tuy nhiên, bác sĩ, TS.Phạm Duệ  - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - khuyến cáo, người dân không nên ăn thịt cóc vì nọc cóc có nhiều chất độc. Các chất độc này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan cóc. Trong nọc cóc có chất bufagins (giống với chất độc có trong cây trúc đào và nếu được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng về liều lượng sẽ có tác dụng trong điều trị suy tim, nếu không sẽ thành chất độc); tetrodotoxin (có trong cả cá nóc và nếu trúng độc, sẽ bị co mạch, tăng huyết áp, làm cho tim đập nhanh hoặc chậm...).

Bộ Y Tế khuyến cáo khi gặp phải người bị ngộ độc do ăn phải nhựa cóc, chúng ta phải sơ cứu bằng cách móc họng cho bệnh nhân đó nôn hết ra rồi đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện để cứu chữa kịp thời.

Anh Thế - Nhất Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm