1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vật vã 3 năm không xong quy định cho Grab taxi, Bộ trưởng GTVT nói gì?

(Dân trí) - Trình bày lý do ba năm ròng chưa ban hành được nghị định thay thế Nghị định 86 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa Grab và taxi truyền thống.

70.000 xe taxi công nghệ đang hoạt động

Đây là một nội dung được đề cập trong báo cáo về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể gửi tới Quốc hội để phục vụ kỳ họp 8 của cơ quan này, bắt đầu từ sáng mai, 21/10.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử đã được đưa vào trong dự thảo nghị định thay thế nghị định số 86 (ngày 10/9/2014) của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Vật vã 3 năm không xong quy định cho Grab taxi, Bộ trưởng GTVT nói gì? - 1
Các ứng dụng gọi xe hiện rất phong phú (ảnh minh hoạ).

Nhấn mạnh đây là một trong các nghị định hết sức phức tạp và rất khó khăn, trên ba năm vẫn chưa ban hành được, Bộ trưởng nêu một trong các lý do là, đối với việc quản lý xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm để điều hành hoạt động vận tải sẽ được quản lý như xe taxi hay hợp đồng vận tải điện tử, đến nay  vẫn có nhiều ý kiến khác nhau,

Tính đến thời điểm tháng 6/2019, có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử, Bộ trưởng cho biết. 

Theo Bộ trưởng thì xe này so với hoạt động của xe taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo sự cân bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau. Do vậy, để quản lý chặt chẽ đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung một số quy định.

Thay vì gắn mào taxi thì phải dán nhãn “XE HỢP ĐỒNG”

Có 8 quy định được bổ sung được nêu tại báo cáo. Trước hết là quy định xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách; giao diện của người thuê vận tải phải hiện diện thương mại của đơn vị kinh doanh vận tải và các phương tiện kinh doanh thuộc đơn vị để người thuê vận tải thực hiện lựa chọn, đàm phán về hành trình, thời gian và giá trị hợp đồng.

Cơ quan quản lý cũng đề xuất quy định trong thời gian 1 tháng, xe ôtô kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, xe ôtô sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.  Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.

Về phương tiện, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Quy định này nhằm đảm bảo cân bằng với điều kiện về niên hạn so với xe taxi.

Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định; kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” phải được làm bằng vật liệu phản quang”.

Bộ trưởng Giao thông cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe thuộc đơn vị theo quy định.

Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy định tại khoản 6 điều 36 của dự thảo nghị định quy định việc chuyển tiếp về cấp và sử dụng phù hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo quyền chủ động để đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại hình kinh doanh cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của đơn vị mình, đồng thời khi lựa chọn loại hình nào thì phải thực hiện theo quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của loại hình đó, tránh trường hợp lách quy định mà trong thực tiễn thời gian qua đã xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, mới đây đã có công văn báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành nghị định quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Phương Thảo