1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Vắt giọt mồ hôi đổi lấy hạt muối

(Dân trí) - Không quản cái nắng đến cháy da cháy thịt của vùng quê Diễn Bích, Diễn Châu, Nghệ An, họ vẫn cần mẫn trên cánh đồng để làm ra những hạt muối trắng muốt. Dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, họ vắt hết những giọt mồ hôi để đổi lấy những hạt muối.

Công đoạn làm tơi đất...
Công đoạn làm tơi đất...

Lúc thời tiết nắng nhất thì họ ra đi làm.
Lúc thời tiết nắng nhất thì họ ra đi làm.

Chát mặn đời nghề muối

Diễn Châu những ngày hè là thời điểm một số xã giáp biển vào nghề “trồng muối” trên những cánh đồng. Đến với những cánh đồng muối xã Diễn Bích, chúng tôi hòa mình vào những người thợ nơi đây để tìm hiểu thêm về các công đoạn làm ra hạt muối. Từ 5-6 giờ sáng hàng trăm diêm dân đông nghịt trên cánh đồng muối và bắt đầu 1 giờ chiều cánh đồng muối lại tiếp tục công việc.

Khuôn mặt đầy mồ hôi bởi cái nóng của mùa hè xứ Nghệ, chị Lan bảo: “Các cháu có chịu nổi không, mệt lắm đó, gió Nam thổi táp vào khó chịu lắm, ran rát nữa. Bà con diêm dân chúng tôi làm cái nghề này riết rồi cũng quen thôi. Hầu hết những người làm nghề này đều có hàng chục năm tay nghề do ông cha truyền lại cả”.

Đúng 1 giờ trưa, cánh đồng muối hôm nay rầm rập hơn bởi thời tiết có vẻ mát hơn, trên con đường dẫn ra cánh những tiếng nói lanh lảnh của người dân vùng biển làm huyên náo cả một vùng quê thêm vào đó là tiếng va đập của dụng cụ làm muối, tiếng lăn bánh của xe rùa, mọi người ai nấy hối hả, tất bật vào việc.

Chị Lan, xóm Hải Trung đã hơn 30 năm làm nghề tâm sự: “Đất ở đây mặn lắm không trồng lúa được nên chỉ còn cách làm muối thôi. Nghề này vất vả lắm, mưa nắng thất thường, giá cả lại thấp, nhiều khi muốn bỏ nghề, nhưng bỏ rồi lấy chi mà ăn, đành bám vào nó vậy”.

Mọi người thối hả thu hoạch muối vào buổi cuối ngày.
Mọi người thối hả thu hoạch muối vào buổi cuối ngày.

Gia đình chị Lan có 6 nhân khẩu, chồng đi biển thu nhập thất thường, 6 miệng ăn và tiền học của các con đều nhìn vào những hạt muối mặn chát này và dường như quanh năm đều thiếu thốn. Giọng chị Lan chùng xuống: “Vất vả cực nhọc nhưng thu nhập không bằng làm lúa, quanh năm dường như luôn thiếu ăn nhưng biết làm sao bây giờ, đành phải gắng gượng vậy. Vào những ngày thời tiết thất thường thì diêm dân chúng tôi mất trắng”.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng cụ Đỗ Căn (86 tuổi, xóm Trung Hải) chân ống quần bên thấp bên cao, những bước cụ đi không còn vững nhưng cụ vẫn cố vác dụng cụ làm muối để ra đồng cho kịp mẻ mới. Cụ nói rằng, không bỏ nghề muối vì bỏ thì lấy gì mà ăn, nên dù tuổi cao vẫn phải cố ra đồng muối làm.

 
Phút nghỉ ngơi của cụ hai cụ già đã trên 80 tuổi. 
 Phút nghỉ ngơi của cụ hai cụ già đã trên 80 tuổi. 

Cho muối vào hầm chứa.
Cho muối vào hầm chứa.

Được biết, gia đình cụ Căn hiện tại có cụ cùng vợ cùng đứa con gái út bị tàn tật, các con lớn đã lập gia đình, cuộc sống không khấm khá là bao, thi thỉnh thoảng các con về giúp cụ làm muối. Cụ bảo, cái nghề do các cụ để lại, từ khi lọt lòng mẹ, cụ đã làm và sống bằng cái nghề này rồi, còn lớp trẻ bây giờ chúng nó không chịu làm. Với cụ Căn, sức khỏe vốn yếu nhưng mỗi ngày cố gắng hết mình, gặp thời tiết đẹp cụ làm được khoảng nửa tạ muối trên diện tích 100m2. Với nửa tạ muối giá cả như hiện nay chỉ được hơn 140 ngàn đồng.

Mồ hôi nhễ nhãi, tay hơi run run cầm chiếc gáo múc nước, bà Lê Thị Lộc (52 tuổi, xóm Hải Trung) tâm sự: “Cứ 12h trưa đến 1h chiều nắng nóng như đổ lửa thì bà con chúng tôi cứ phải phơi mặt giữa cái nắng. Buổi sáng lấy đất cát san đều trên ruộng cho ngấm nước biển, chiều đến cho lượng đất ấy vào hố lọc bằng nước biển, và khi nước mặn đạt 30 độ rồi mới bắt đầu lấy nước vào một bể khác. Cứ thế buổi sáng lấy nước đó tưới đều trên các ngăn và khoảng 4-5 giờ là có thể thu hoạch muối”.

Thước đo độ mặn của muối
Thước đo độ mặn của muối

Mong sao đỡ cực hơn...

Vất vả, cực nhọc là vậy, có những lúc chán nghề nhưng họ không thể làm khác đi được. Bởi “tạo hóa” đã ban cho họ vùng đất mặn, không trồng lúa được thì làm muối để trao đổi với những người dân khác. Nhưng ngặt nghèo, giá muối bây giờ thua xa so với các mặt hàng khác. 

Rồi những chiếc xe đạp cà tàng, những người phụ nữ gầy đen hay những người đàn ông rồng rộc - họ chở những bao muối mình làm ra rong ruổi khắp các làng quê từ nông thôn đến thị thành, rồi lên miền núi với tiếng rao: Ai muối không. Ai muối đê. Ai muối nào. Tiếng rao của họ văng vẳng, rồi có khi bỏng rát cả cổ nhưng đâu có bán được.

Mọi người ở đây bảo: làm nghề muối nó bạc lắm.
Mọi người ở đây bảo: làm nghề muối nó bạc lắm.

Vì thành quả của nó chẳng xứng với công sức mà mình bỏ ra.
Vì thành quả của nó chẳng xứng với công sức mà mình bỏ ra.

Chia tay những người dân làm muối, khi trời đã khuất bóng hoàng hôn, mọi người vẫn đang tất bật với những công việc cuối cùng, họ bảo phải đến 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Ai cũng gọi chúng tôi lại lấy muối về mà ăn, muối được nắng nên ngon lắm. 

Đã khá xa cánh đồng muối, trên đường về chúng tôi không thôi suy nghĩ về nghề làm muối, chỉ mong sao diêm dân được giá muối để họ đỡ đói khổ hơn, đỡ vất vả hơn...

Một ngày làm việc vất vả nhưng khi gặp mưa xuống bất ngờ thì cánh đồng muối trở nên tiêu tan.
Một ngày làm việc vất vả nhưng khi gặp mưa xuống bất ngờ thì cánh đồng muối trở nên tiêu tan.

Tâm Nhi - Hồ Hà