1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vào làng rèn săn lùng… đao kiếm

Chứng kiến một cuộc hỗn chiến “toé lửa” trên phố, tôi thắc mắc: dao, kiếm ở đâu mà nhiều như rau vậy? Liền nhận được cái cười khẩy: “Muốn có “hàng ngoại” thì lên chợ biên giới. Còn “hàng nội” thì vào Đa Sỹ mà thửa”.

Câu nói này đưa chân tôi đến ngôi làng có nghề rèn truyền thống Đa Sỹ (huyện Thanh Oai, Hà Tây), trong vai trò một người đi “đặt hàng”.

 

Khách nào cũng chiều

 

Không khó để tìm được làng rèn Đa Sỹ bởi nó chỉ cách trung tâm thành phố Hà Đông không quá 3km về phía Đông Nam. Đã lượn đủ mấy vòng quanh làng, đánh liều, tôi nhảy đại vào một quán nước kiêm giới thiệu sản phẩm dao, kéo. Thấy người lạ vào, bà chủ xởi lởi đẩy tận tay cốc trà lạnh: “Chú người thiên hạ, vào làng có việc gì?”.

 

Sau vài phút im lặng, tôi vờ hỏi: “Em vào kiếm mấy con dao bầu, nhà mình có sẵn loại “phóng” nào sắc không?”. Bà chủ quán được đà tuôn ra một tràng tiếp thị: “Nhà chị toàn hàng tốt, nếu để cạo lông lợn thì khỏi cần nước sôi, chỉ cần chọc tiết xong là chú có thể dùng dao lia tới đâu sạch tới đó, cứ gọi là nhẵn bóng như dùng dao cạo râu”.

 

Thấy khách chẳng chú ý gì, cộng với bộ dạng của “đối tác” không bặm trợn như mấy anh đồ tể, bà chủ có vẻ dò xét hơn, nhưng vẫn buông ra một câu thăm dò: “Chú cần loại nào cũng có, làng rèn này làm được tuốt, khách có kỹ tính đến mấy, khi nhìn thấy và thử hàng cũng phải ưng ý gấp”.

 

Mở chiếc ba lô kiểu “quân khu” đang đựng mấy “con hàng” mượn của các đồng nghiệp đi vùng cao, tôi dò hỏi: “Em định “thửa” mấy con hàng vừa đâm, vừa chém ngọt, nhà chị có làm được không?”. Nhìn kỹ hai con dao đi rừng mũi nhọn, lưỡi bén, bà chủ chỉ nhếch mép: “Nếu chú thích hàng tốt, loại bằng thép của nhíp xe ô tô thì đồng hàng 60.000đ một con, ở nhà tôi đã làm rất nhiều kiểu hợp đồng như thế này rồi. Nói thật chứ, kiểu “thửa” dao như thế này, nhà tôi làm cho những người từ Sài Gòn ra, họ đặt những lô hàng cả chục triệu, đủ loại dao bầu, kiếm, mã tấu… mà chưa thấy ai kêu ca một câu nào về chất lượng.

 

Ngoài chuyện sản xuất hàng chợ để tiêu dùng thì nhà tôi tiếp đủ các khách hàng, từ những người già thích chơi đồ dao, kiếm, thửa để treo cho oai, đến những đứa tóc xanh đỏ mua vội vài con dao rồi mất hút. Nói thật, cũng nghi là nó mua dao để đánh nhau, nhưng mình là người bán hàng, chẳng biết từ chối thế nào cho phải”.

 

Sau một hồi tiếp thị sản phẩm, bà ta còn khăng khăng: “Khách nào nhà tôi cũng chiều được, bởi ít đã có 4 đời làm nghề rèn, ông chồng tôi quai búa từ thủa lên 10”. Theo lời giới thiệu của bà chủ dao kéo có tên là Liên này, tôi đã đi hỏi thêm 4 nhà thợ rèn nữa và biết rằng khách đến đặt hàng ở Đa Sỹ hầu như không về tay trắng, ít ra cũng kiếm được một “con đồ” ưng ý với giá phải chăng. Nhiều nhà còn cho số điện thoại, cần thì “a lô” để chuẩn bị thép tốt nhằm cho ra lò hàng đảm bảo xịn.

 

“Chém thử không ưng không lấy tiền”

 

Đa Sỹ ồn ã trong tiếng chan chát quai búa, phì phò của ống bể bếp lò và cả xèo xèo khi théo đỏ nhúng vào nước lạnh. Quả thật là mừng về những âm thanh gọi là sức sống của làng nghề với hơn 1.000 hộ trực tiếp sản xuất, vẫn đều đều hàng năm cho ra lò 7 triệu sản phẩm bán khắp Đông Dương. Nhưng mỗi khi nghĩ tới ánh thép sắc lạnh của những loại hung khí khi vung lên, và rất nhiều nạn nhân đã bỏ mạng, tàn phế từ những vụ đâm chém…, tôi lại thấy váng vất cái cảm giác rờn rợn.

 

Vẫn “bổn cũ soạn lại”, lấy mấy con dao “hàng khủng” ra làm bình phong, tôi vào nhà bác thợ rèn Vân Vĩnh. Có vẻ quá quen với việc tiếp khách đến thử hàng kiểu như vậy nên sau khi nghe khách bày tỏ về cái nguyện vọng “đen tối” là sắm ít “hàng chiến” thật ngon, giá cả không thành vấn đề, bác ta cho biết: “Tôi đã làm hàng chục bộ kiếm rồi, không thấy ai kêu ca về chất lượng cả. Nhưng nói thật là làm hàng này rất mất công, phải đắp lại lò. Bình thường đắp lò tròn đê tôi dao, đánh kéo, nhưng làm kiếm thì phải đắp lò dài. Nếu kiếm dài 1m thì phải có lò 1,2m, than đốt cũng tốn nên giá hàng đặt phải cao.

 

Về kỹ thuật, rèn như thế nào thì bí mật làng nghề không thể tiết lộ được, nhưng khi chú nhận hàng mang ra chém thử không ưng ý thì coi như không phải trả tiền. Làm kiếm hay các loại binh khí khác đều phải lựa chọn thép tốt, loại thép cán từ mảnh bom nhập từ các đại lý sắt vụn ở Nam Định, sau đó pha ra, tôi vừa phải, khi dùng vào việc mới không mẻ, không cong vênh.

 

Bọn tớ đảm bảo mài cho kiếm vừa sáng lại sắc. Còn muốn đẹp long lanh thì chỉ cần bỏ thêm ít tiền đi mạ một lớp Inox thì bảo đảm không ai còn nhận ra hàng “made in Đa Sỹ” nữa, sắc hơn rất nhiều mấy cái anh dao Tàu, kiếm Nhật “rởm” chỉ đáng treo làm cảnh”.

 

Thấy tôi có vẻ gà mờ về đao, kiếm, ông chủ lò rèn tư vấn thêm: “Nếu không có mẫu, chú chỉ cần nói ý tưởng, tôi có thể vẽ mẫu cho chú. Kể cả rìu, rựa, mã tấu, long đao… nói chung là thập bát binh khí, cái gì có mẫu là bọn tôi cho ra lò y chang ngay, nhưng vẫn đảm bảo chặt chém như thường”.

 

Theo như ông ta nói thì lò rèn nhà ông đã rất nhiều lần làm các loại “đồ chơi đặc chủng” hàng độc như: Nắm đấm sắt, lắp dao găm vào giầy, mũi tên sắt và các loại đinh ba, câu liêm…

 

Trong khi ông chủ Vân Vĩnh thoả thuận về giá cả mấy “con hàng” mà tôi mang theo làm mẫu thì những người thợ vẫn đang hì hụi nướng những thanh sắt trong bếp than cháy rừng rực, đến khi đỏ lên cho vào búa máy, chỉ ít phút đã ra hình một con dao phay loại chuyên chặt xương, đẽo thịt.

 

Nếu đao, kiếm mà được làm kiểu công nghiệp như thế này, thì không biết một ngày họ có thể sản xuất được bao nhiêu? Vào bất cứ lò rèn nào ở đây tôi đều nhận được sự nhất trí cao: Nếu có mẫu binh khí thì mang tới đây, đặt tiền, một tuần sau mời đến nhận hàng.

 

Rời làng nghề Đa Sỹ, trong đầu tôi vấn vương câu hỏi: Tại sao những người thợ rèn lại vô tư sản xuất binh khí như vậy dẫu biết nếu rơi vào tay tội phạm là có thể có án mạng bất cứ lúc nào? Có lẽ xin dành phần trả lời cho các cơ quan chức năng và chính lương tâm nghề nghiệp của những người thợ rèn Đa Sỹ.

 

Theo Khánh Vân

Nông Thôn Ngày Nay