1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vành khăn trắng trên đỉnh Văng Tan

(Dân trí) - Đã 4 ngày trôi qua, công trường thuỷ điện Bản Vẽ bao trùm một không khí tang thương; đỉnh Văng Tan vang tiếng kêu gào thảm thiết. Ông Doanh, lặn lội từ Hà Nam vào, khóc nức nở khi nhìn thấy thân hình dập nát của con trai Lê Công Tú…

Nước mắt hoà với dòng Nậm Nơn

 

Tiếng khóc gào não nề của ông Doanh khiến tốp công nhân Sông Đà 2 cũng không cầm được nước mắt. “Tôi có thằng Tú là con trai độc nhất để nối dõi tông đường, vun vén cho nó đi học mong nó kiếm tiền về nuôi tiếp mấy đứa em. Nghe tin con mất tôi lật đật vay ông chú tạ lúa bán lấy tiền bắt xe vào đây nhận xác con. Xót xa lắm các chú ơi, nỗi đau này bao giờ vơi đi được, mẹ nó đang ẽo ọt như cây chuối sắp đổ”.

 

Người đàn ông ngoài 50 tuổi ngất lên ngất xuống, đôi mắt đỏ hoe, sưng húp. Những người đi cùng cho biết ông đã khóc như thế từ lúc nghe tin con mất; giờ thì ông đã kiệt sức rồi.  

 

Trong số 18 nạn nhân có anh Vũ Văn Mười, quê Nam Định, vừa về quê chịu tang đứa con trai chưa đầy tháng tuổi, mới lên công trường làm lại. Giờ anh đã về nơi chín suối cùng con. Vợ anh chưa tan nỗi đau mất con, giờ nhận thêm hung tin, không đủ sức gượng dậy đi nhận xác chồng, cứ như người sống dở chết dở trong bệnh viện.

 

Vành khăn trắng trên đỉnh Văng Tan  - 1

"Tôi có nó là thằng con trai độc nhất để nối dõi tông đường...". (Ảnh: Nguyễn Duy).

 

Dưới dòng Nậm Nơn, con nước vẫn cuồn cuộn chảy cuốn theo những dòng nước mắt mặn đắng. Anh Hoàng Anh Tuấn, anh ruột của nạn nhân Hoàng Anh Vũ, quê Hoà Bình, nhìn về phía dòng sông than thở: “Tôi đang làm ở công trường thuỷ điện Sơn La nghe tin em trai mình bị đá vùi dập liền bắt xe một mạch vào đây. Tưởng đã tìm thấy xác em trai tôi rồi, nào ngờ nhìn cả mảnh núi khổng lồ đè trên các thi thể, chắc chắn lâu lắm tôi mới được nhìn thấy mặt em. Thằng Vũ hôm trước vừa mới gọi điện cho tôi, dặn tôi năng về thăm bố mẹ. Nói vừa dứt cú điện thoại thì xảy ra chuyện. Sao cú điện thoại em nói với anh lại oan nghiệt thế em!”.

 

Những đêm trắng bên dòng Huồi Pòi Pọt

 

Dòng Huồi Pòi Pọt trước đây là một nhánh của dòng Nậm Nơn, là vùng đất linh thiêng của người Khơ Mú, người Thái. Một số già làng cho biết, nơi đây chỉ có 3 loài thú có thể sinh sống nảy nở là Sơn Dương, con Cheo và ba ba. Phía thượng nguồn là đỉnh Văng Tan nơi có mỏ đá D3, phía dưới là vực thẳm của dòng Huồi Pòi Pọt, từ chân núi lên đỉnh cao khoảng gần 1.000m.

 

Chưa khi nào công trường lại hoạt động dồn dập như lúc này, một không khí khẩn trương nhuốm màu đau thương, tang tóc. Công trường đang có mưa, nguy cơ các tảng đá trên cao tiếp tục rạn và rơi xuống có thể xảy ra, công việc tìm kiếm nạn nhân trong đêm tối càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Mặc dù vậy, gần 20 máy khoan, máy xúc vẫn hoạt động thâu đêm, hết công suất với mong muốn tìm được thi thể người bị nạn cuối cùng.

 

Vành khăn trắng trên đỉnh Văng Tan  - 2

Một góc Huồi Pòi Pọt. (Ảnh: Nguyễn Duy).

 

Anh Ngô Xuân Hậu đã thức trắng từ hôm xảy ra chuyện, nhìn xuống chân đồi não nề: “Trong lúc này, số anh em công nhân làm việc thâu đêm suốt sáng tại đây có khoảng 30 người. Trong khi đó những vệt nứt quá lớn ở trên đỉnh đồi kèm theo những phiến đá hàng trăm tấn có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Anh em làm việc lúc này như ngàn cân treo sợi tóc, tôi cũng chưa dám khẳng định rằng là an toàn, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu như hiện nay. Dù khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Nguyễn Duy