1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vàng tặc tái xuất “chiến trường vàng” Tương Dương

(Dân trí) - Những năm đầu của thập kỉ 90, Tương Dương (Nghệ An) nổi lên như một “chiến trường vàng” ác liệt. Sau hơn 15 năm bị dẹp tan, đầu năm 2007, “vàng tặc” lại trở lại đại náo Tương Dương.

“Chiến trường” xưa và hậu họa

 

Năm 1995, cả nước đều biết đến đại nạn khai thác vàng trái phép ở Tương Dương, kinh hoàng không kém nạn khai thác đá đỏ Quỳ Châu. Hàng trăm con người suốt ngày đêm moi sông, bới núi tìm vàng.

 

Anh Lô Văn Tủn ở xã Yên Na, người từng tham gia đào vàng năm ấy, kể: Ban đầu chỉ có một nhóm khoảng 8-9 người từ Yên Bái đến khai thác ở hai  bên bờ sông Nậm Nơn. Họ khai thác được khoảng mươi ngày thì người khắp nơi ồ ạt kéo đến đến cát cứ lãnh địa, lán trại dựng la liệt.

 

Những lúc cao điểm, người đi tìm vàng lên tới trên ngàn người. Kéo theo đó là đủ loại tệ nạn: mại dâm, ma túy, côn đồ, trộm cướp… Biết bao vụ thanh toán nhau đẫm máu để tranh giành lãnh địa đã diễn ra; bao nhiêu gia đình tan nát; bao nhiêu kiếp người bị ma túy, HIV/AIDS cướp mất sự sống. Danh tiếng những đại ca hảo hán nổi như cồn khắp nơi với những cái tên như Năm bò Yên Bái, Hùng trọc Nam Định,  Bường ốc Huế…

 

Phải mất một thời gian dài đấu tranh quyết liệt, công an và chính quyền địa phương mới dẹp tan được “chiến trường vàng” Tương Dương. “Vàng tặc” đi rồi, nhưng hai bên bờ sông Nậm Nơn, nhiều ngọn đồi, chân núi tan nát.

 

Anh Lương Văn Vĩ, Phó Chủ tịch xã Yên Hòa buồn bã: “Xã chúng tôi ngày trước yên bình lắm, từ khi bùng phát khai thác vàng 1995, nhiều người mắc nghiện. Ma tuý lan nhanh lắm, đến nay 12 thôn bản đều có người nghiện, trên 30 người đã chết vì liên quan đến ma tuý và AIDS; nhiều gia đình cả anh em bố mẹ đều vào tù vì ma tuý. Hay có nhà cả mấy cậu con trai, con rể đều chết vì Si đa”.

 

Hậu họa để lại ở xã Yên Tĩnh còn đau lòng hơn. Toàn xã theo thống kê có 76 con nghiện, có 40 người đã chết vì liên quan đến ma tuý…

 

“Vàng tặc” tái xuất đồi Pu Pen

 

Bẵng đi hơn chục năm, đột nhiên vào đầu năm 2007, tại dãy đồi Pu Pen giáp ranh giữa 3 xã Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh lại rộ lên nạn khai thác vàng trái phép. Men theo khe Pu, chúng tôi phải lội bộ hơn 4 tiếng đồng hồ mới tới được bãi vàng. Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là lán trại dựng la liệt, hàng chục hang hầm đào khoét nham nhở, hoác hàm ếch trông rất gớm ghiếc; chân đồi Pu Pen bị vòi rồng sục xuống ngoạm  có hố sâu cả chục mét.

 

Khảo sát thực địa, chúng tôi biết được ở đây có nhiều kiểu khai thác vàng. Kiểu thứ nhất là đào sâu xuống cỡ vài mét, gặp vỉa đá trắng thì dùng khoan để lấy đá cho vào bể quây bằng ni lông rồi đổ axit clohidrich vào cho đá phân huỷ. Cuối cùng cho ra máng đãi để lấy vàng.

 

Kiểu thứ hai là dùng máy đông phong lắp vòi rồng phụt vào chân đồi, hút đất đá ra máng đãi. Những hòn đát đá to, cửu vạn bốc lên cho vào bể axit. Sau đó để xử lý vàng họ dùng xianua, một hoá chất cực độc. Tất cả những hóa chất độc hại trên và chất thải đều tuôn hết xuống khe Pu, khe Líp.

 

Anh Vi Văn Hùng, một phu đào vàng, cho biết: “Ở đây có 6 chủ lò đều là người Yên Bái, họ thuê cửu vạn người địa phương làm với tiền công 30-50 ngàn đồng/người/ngày. Có những lúc cao điểm như tháng 4, tháng 5/2007, người làm vàng hơn 500 người”. Hỏi đã có vụ sập hầm nào gây chết người chưa? Trả lời: Đào vàng mà không có sập hầm mới là chuyện lạ, nhưng may là chưa chết người.

 

Lại hỏi công an có hay vào truy quét không? Trả lời: Có chứ. Họ vào thu máy, lập biên bản nhưng họ đi rồi lại có máy khác làm liền. Vàng chứ có phải đất đâu mà vứt được.

 

Đêm Pu Pen đèn điện sáng trưng, một vài lò vàng vẫn làm việc, trên nóc những lán trại che ni lông, một vài xi lanh dắt trên mái còn dính máu. Ma túy ở đây được mua bán công khai, chích hút tất nhiên càng công khai, phu vàng phê thuốc nằm ngổn ngang. Một số gái mại dâm không quản rừng thiêng nước độc tìm đến đây hành nghề. Một đêm với những “chiến hữu” vàng tặc, nghe tiếng chim lợn kêu, chúng tôi thấp thỏm bất an, không tài nào ngủ nổi.

 

Thực trạng khai thác vàng ở đồi Pu Pen đã làm cho nước khe Pu, khe Líp ô nhiễm trầm trọng. Nước khe đục trắng bốc mùi hăng nồng, cá chết nổi lềnh bềnh. Nhiều hộ dân sinh sống ở hạ lưu khe Pu cho biết, người lội qua khe đều bị ngứa chân, trâu bò uống nước khe về chướng bụng, có con lăn đùng ra chết. Hai dòng khe này chảy qua 3 xã rồi đổ ra dòng Lam, mối nguy hiểm thật khôn lường!

 

Anh Thái Văn Dũng, trưởng công an xã Yên Hòa cho biết: “Lực lượng công an 3 xã phối hợp công an huyện Tương Dương cùng với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã vào truy quét nhưng địa bàn phức tạp, rừng núi hiểm trở, chúng tôi vào đến nơi thì chúng đã rút, thu máy vào rừng.

 

Mới đây chúng tôi vào tịch thu năm máy, bắt các chủ lò ký cam kết không tái phạm nhưng chúng tôi rút ra thì lại đâu vào đấy. Bây giờ thì khai thác ít hơn”.

 

Trao đổi qua điện thoại với ông Lô Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông nói: “Chúng tôi đã giải quyết dứt điểm nạn khai thác vàng ở đó cách đây hai tháng rồi và đã ký với Công ty thương mại thủ đô để họ vào thăm dò khai thác”. Chúng tôi phản ánh: Tình trạng khai thác vàng trái phép ở đồi  Pu Pen vẫn chưa dứt điểm và Công ty Thương mại thủ đô vẫn chưa khai thác; ông Hài trả lời: “Chúng tôi đã bàn giao cho Công ty Thương mại thủ đô rồi, khai thác hay không, để ai khai thác là quyền họ (!)”.

 

Tiến Dũng