1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

“Vàng tặc” lộng hành, chính quyền bất lực

(Dân trí) - Trong khi nạn khai thác vàng trái phép đang diễn ra hết sức công khai, hàng chục người đưa cả máy móc, thiết bị vào rừng để phục vụ cho việc khai thác, thì chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng vẫn thể hiện sự... bất lực.

 
Nỗ lực hết mình…

Như Dân trí đã thông tin, tình trạng khai thác vàng trái phép tại một số địa bàn thuộc huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra từ rất lâu. Thực tế những gì chúng tôi ghi nhận được tại một số bãi vàng thuộc xã A Vao chứng tỏ “vàng tặc” hoạt động một cách khá công khai và rầm rộ.

Đại công trường khai thác vàng trên vách núi
"Đại công trường" khai thác vàng trên vách núi
Vàng tặc hoạt động hết sức công khai và rầm rộ nhưng chính quyền sở tại tỏ ra bất lực
"Vàng tặc" hoạt động hết sức công khai và rầm rộ nhưng chính quyền sở tại tỏ ra bất lực

Hàng chục người với đầy đủ các phương tiện máy móc vẫn hoạt động suốt đêm ngày, khiến cho môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Không chỉ có sông, suối bị đào xới nham nhở mà núi non cũng đã bị “vàng tặc” khoét sâu. Bên cạnh đó, thực trạng trên đã gây thất thoát một lượng lớn tài nguyên khoáng sản cho nhà nước và địa phương nơi xảy ra hiện tượng này.

Qua tìm hiểu của PV Dân trí, ngoài hai đơn vị được địa phương cấp phép cho thăm dò để tiến hành khai thác quặng vàng là Công ty Khoáng sản 4 (thăm dò tại địa bàn bản Tân Đi 2, xã A Vao) và Công ty Đông Trường Sơn (tại thôn A Vương, xã Tà Rụt), thì có hàng chục điểm khai thác khác diễn ra tại suối Cà Ruông (thuộc xã Tà Long) và tại Khe Đan, Khe Ho (thuộc xã A Vao)... Ngày qua ngày, “vàng tặc” đang ngang nhiên đục khoét các mỏm núi, lòng suối mà cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp gì hữu hiệu để hạn chế tình trạng trên.

Những mỏm núi bị đục khoét gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng
Những mỏm núi bị đục khoét gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết, xã đã chỉ đạo cho lực lượng quân sự, công an và có cả lãnh đạo xã cùng sự phối hợp của lực lượng Biên phòng đóng tại địa phương, công an huyện tổ chức nhiều lần truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng vào đến hiện trường thì “vàng tặc” đã biết trước và ẩn náu. Rồi sau đó, khi lực lượng này quay ra thì “vàng tặc” lại hoạt động bình thường.

… cho “vàng tặc” chạy trốn?

Trước những thắc mắc của PV, vì sao “vàng tặc” hoạt động công khai nhưng lực lượng chức năng vẫn để như vậy? Một vị lãnh đạo Công an huyện Đakrông trả lời rằng: “Có tổ chức lực lượng đẩy đuổi, truy quét, nhưng vào đến nơi thì “vàng tặc” đã cất dấu máy móc và bỏ trốn”…

Liệu có sự tiếp tay cho vàng tặc ngang nhiên hoạt động?
Liệu có sự tiếp tay cho vàng tặc ngang nhiên hoạt động?
Liệu có sự tiếp tay cho "vàng tặc" ngang nhiên hoạt động?

Một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên, “ta đến thì họ đi, ta về thì họ lại đến” khiến dư luận nảy sinh nhiều nghi ngờ về sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Đội phó Đội Cảnh sát ĐTTP về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ, Môi trường, Công an huyện Đakrông cho biết: “Trong năm 2013, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”. Nhưng khi lực lượng chức năng tiếp cận được hiện trường thì “vàng tặc” đã cất dấu toàn bộ máy móc và bỏ trốn. Một số phương tiện máy móc, lán trại còn sót lại bị chúng tôi phá hủy, đốt bỏ. Khi lực lượng liên ngành quay trở ra thì “vàng tặc” lại tiếp tục hoạt động”.

“Chúng tôi cũng bắt được một số phu vàng nhưng do đội ngũ này chỉ là người làm thuê và chủ yếu là lực lượng lao động tại địa phương. Cũng vì không bắt được “đầu nậu” nên không có cách gì để xử lý...” - thiếu tá Dũng thông tin.

Ngược lại, Đại úy Nguyễn Hữu Phương, Phó Trưởng Công an huyện Đakrông cho rằng, do lực lượng quá mỏng nên không thể giám sát được mọi hoạt động và bắt quả tang đối với những đối tượng khai thác vàng trái phép, bởi vì địa hình tại những nơi này phức tạp, nhiều núi cao hiểm trở…?

Đăng Đức