1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Xâm nhập lãnh địa hoạt động của “vàng tặc”

(Dân trí) - Những tiếng máy nổ gầm rú inh ỏi bên cạnh các lán, trại được dựng lên để phục vụ việc khai thác vàng. Hàng chục phu vàng đang khẩn trương đào, đãi. Hoạt động khai thác vàng ở xã AVao, huyện Đakrông đang diễn ra hết sức công khai…

Điểm “nóng” khai thác vàng trái phép

Giữa trưa nắng, bỏ qua những lời can ngăn từ phía người dân, chúng tôi phải ngụy trang thành những người đi rừng, giấu toàn bộ thiết bị ghi ảnh, ghi hình trong người, rồi quyết định xâm nhập vào tận lãnh địa của “vàng tặc” để “mục sở thị” hoạt động khai thác tại một bãi vàng thuộc địa bàn xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Những bãi đá dọc suối bị vàng tặc đào xới nham nhở
Những bãi đá dọc suối bị "vàng tặc" đào xới nham nhở
Dòng nước đục ngầu được thải ra từ bãi khai thác vàng
Dòng nước đục ngầu được thải ra từ bãi khai thác vàng

Con đường mòn dẫn từ bản Tân Đi 2, xã A Vao đến điểm khai thác vàng nói trên chỉ vừa đủ là một lối đi. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp một nhóm “sơn tràng” chừng 5 người đang gùi hàng trên lưng đi ra từ phía rừng sâu. Gặp chúng tôi, nhóm người này tỏ ra hồ nghi, đưa ánh mắt thăm dò một cách bí ẩn. Bất luận, chúng tôi vẫn kiên trì tiến sâu vào rừng.

Tốp người này quay lại nhìn khách lạ, tỏ vẻ hồ nghi
Tốp người này quay lại nhìn khách lạ, tỏ vẻ hồ nghi

Dọc lối mòn men theo bờ suối Ba Lin (tên con suối người dân địa phương thường gọi) là những bãi đá nham nhở bị “vàng tặc” đục khoét từ lâu. Những dòng nước từ thượng nguồn chảy xuống đục ngầu một màu bùn đất. Bên cạnh đó, những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi đã bị đốn hạ nằm chỏng chơ ven đường.

Một cây gỗ bị đốn hạ nằm chỏng chơ bên lối mòn cạnh suối
Một cây gỗ bị đốn hạ nằm chỏng chơ bên lối mòn cạnh suối

Sau gần 1 giờ đi bộ, vượt qua nhiều đèo, dốc cao dựng đứng và rất hiểm trở, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường bãi khai thác vàng. Trước mắt chúng tôi, những mỏm núi bị cày xới, lòng suối bị đục khoét tan hoang như một “đại công trường” giữa rừng sâu.

Bên cạnh con suối, rất nhiều lán, trại được dựng lên để phục vụ việc khai thác. Những tiếng máy nổ inh tai giữa trưa nắng, kèm theo tiếng cuốc, xẻng, xà beng…thọc sâu vào lòng đất. Hoạt động khai thác vàng tại đây không chỉ có vàng sa khoáng dưới lòng suối, mà còn có cả việc khai thác vàng trong lòng núi.

Dây chuyền khai thác vàng từ vách núi...
Dây chuyền khai thác vàng từ vách núi...
...và những người bên dưới có nhiệm vụ sàng lọc quặng vàng
...và những người bên dưới có nhiệm vụ sàng lọc quặng vàng

Ghi nhận từ một lán trại trên vách núi, một nhóm phu vàng đang khẩn trương đào, đãi, phân loại quặng vàng. Từ điểm này, có một rãnh nhỏ dẫn nước chảy về bên dưới để phân loại lần tiếp theo. Bên cạnh đó, một lán khác cũng được căng bạt đơn sơ, trong đó có 2 – 3 người đang khoét sâu vào lòng núi để tìm vàng.

Một nhóm khác đang khoét núi tìm vàng
Một nhóm khác đang khoét núi tìm vàng

Phía bên dưới là một tốp chừng 4 – 5 thanh niên đang tiến hành sàng lọc quặng vàng từ phía trên dẫn xuống. Những dòng nước thải ra đỏ ngầu cứ thế chảy về lòng suối.

Cách đó không xa, rất nhiều lán trại khác của “vàng tặc” được dựng lên để phục vụ việc đào, đãi vàng. Đàn ông sức vóc thì khoét núi tìm vàng, hoặc làm việc bên cạnh những chiếc máy nổ, còn phụ nữ thì đãi vàng dưới lòng suối. Theo quan sát, có đến 15 – 20 phu vàng được chia ra nhiều tốp, ở trong các lán trại khác nhau để khai thác khiến cho bãi vàng này trở nên hết sức nhộn nhịp.

Một nhóm khác đang khoét núi tìm vàng
Hoạt động khai thác vàng diễn ra một cách công khai như chưa hề có sự can thiệp từ phía các cơ quan chức năng

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết số phu vàng này đến từ rất nhiều địa phương. Trong đó, có một số người cư trú tại các tỉnh miền Trung tham gia khai thác.

Việc khai thác vàng như thế này đã khiến cho môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Rất nhiều cây cối bị chặt hạ để tạo không gian khai thác vàng. Sau khi khai thác xong ở điểm này, “vàng tặc” lại di chuyển sang điểm khác, dựng lán và tiếp tục hoạt động một cách công khai. Núi rừng bị đục khoét theo kiểu “bức tử”, lòng suối bị xới tung, kèm theo đó là những dòng nước đục ngầu được thải ra chảy về hạ nguồn gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Có hay không việc tiếp tay cho "vàng tặc"?

Thực trạng khai thác vàng trái phép tại một số địa bàn thuộc xã A Vao, huyện Đakrông đã diễn ra từ nhiều năm qua. Theo những gì chúng tôi quan sát và ghi nhận được thì dường như hoạt động này đang diễn ra một cách công khai, ngoài sức tưởng tượng, như chưa hề có sự ngăn cản nào từ phía chính quyền và lực lượng chức năng.

Hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ, với rất nhiều máy móc
Hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ, với rất nhiều máy móc
Hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ, với rất nhiều máy móc

Khi chúng tôi lân la hỏi chuyện khai thác vàng tại địa phương này, mọi người dân đều khẳng định là có và đều tỏ ra hết sức bức xúc. Thực tế, nhìn những dòng nước đục ngầu chảy xuống khu dân cư, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm bởi nó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người dân.

Trưởng thôn Tân Đi 2, ông Kôn Phất cho biết: “Tình trạng khai thác vàng đã xảy ra từ nhiều năm nay rồi. Bà con sống ở dưới này không có nước để sinh hoạt, trẻ con không có nước để tắm. Tuy vậy, người dân cũng chỉ biết thế thôi chứ không còn cách chi hơn. Trong nhiều cuộc họp đã đề xuất với chính quyền, mong sớm giải quyết tình trạng này, nhưng không ngăn cấm được”.

Video cận cảnh "đại công trường" khai thác của "vàng tặc".

Đăng Đức

Còn nữa