“Vàng ròng” trên sa mạc cát
(Dân trí) - Bằng nghị lực, niềm tin, cách đầu tư bài bản, khoa học, nhiều người đã trở thành tỷ phú ngay giữa lòng "sa mạc cát" khắc nghiệt của dải đất miền Trung.
Tỷ phú giữa lòng sa mạc cát
Non một thập niên lại nay, nhắc đến nghề nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh nhiều người dân đã quá quen với cái tên “Hạnh Đại Dương”, tức chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty THHH Sao Đại Dương, đóng tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhiều lãnh đạo tỉnh này cũng phải thừa nhận, chính người phụ nữ với nước da bánh mật, khuôn mặt đôn hậu sở hữu một cơ sở nuôi tôm có nguồn thu cả trăm tỷ đồng mỗi năm này, là người đã có công vực dậy nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng ở mảnh đất nghèo Hà Tĩnh.
Con đường trở thành một “bà trùm” nuôi tôm ngay giữa lòng sa mạc cát của người phụ nữ giàu nghị lực này thật không dễ dàng, thậm chí lúc khởi sự người ta còn gọi chị là đồ gàn vì dám "qua mặt" chồng cầm cố nhà xe để đeo đuổi cái nghề mà giới nuôi tôm không ít trường hợp đã tan gia, bại sản.
Năm 2007, khi cả lãnh đạo và người dân vùng hưởng lợi tại Hà Tĩnh chưa hết bàng hoàng trước sự thất bại thảm hại của đại dự án nuôi tôm trên cát từng được xem là lớn nhất Đông Nam Á do Công ty Công nghệ Việt - Mỹ, một thành viên của tập đoàn ATI (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, thì chị Hạnh – người vừa dứt một cửa hàng cơm nhỏ ở TP Hà Tĩnh, chân ướt chân ráo làm đại lí kinh doanh cho một hãng thức ăn tôm – đã âm thầm nhập cuộc.
Thấy chị bắt tay vào làm, nhiều người, trong đó có cả không ít cán bộ trong ngành thủy sản khuyên chị xem lại quyết định “nhúng chân” vào cái sa mạc cát vốn vừa chôn vùi cả đại dự án. “Họ nói với tôi, con tôm nuôi ở những vùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi mà người ta còn thất bại, nhiều gia đình tan gia bại sản, nên thất bại của công ty Việt Mỹ là điều đương nhiên. Làm chi có chuyện con tôm sống được trên vùng cát mà nắng nóng đỉnh điểm có lúc lên đến hơn 500C. Chị mà không nghe, đổ tiền của, công sức vào đấy là nhà cửa đi theo mấy hồ tôm ấy đấy” – chị Hạnh nhắc lại chuyện một số người bày tỏ sự ái ngại khi biết chị quyết tâm theo đuổi nghề nuôi tôm trên sa mạc cát này.
Nhiều lần qua lại các ao tôm của Công ty Việt Mỹ nên chị Hạnh đã đúc kết, hướng đầu tư nuôi tôm trên cát là hoàn toàn chính xác, thất bại của công ty Việt Mỹ là sự thất bại của yếu tố con người.
Bởi vậy, ngay khi dự án này thất bại, chị đã mượn một số ao hồ bỏ hoang cải tạo lại, nuôi thử nghiệm. “Nói là thử nghiệm, nhưng để có tiền lo cho con mấy ao tôm vốn ban đầu cũng phải hơn cả tỷ đồng. Tiền không có, tôi phải âm thầm cầm cố nhà cửa đi vay. Khi biết được quyết định táo bạo, ông xã chị bức xúc lắm. Nghe tôi phân tích rồi anh ấy cũng thuận, chung sức đầu tư cho canh bạc này” – chị Hạnh nhớ lại.
Chính thức đặt cược gia tài của cả gia đình vào sa mạc cát, chị mời gọi những cán bộ kỹ thuật đam mê, tận tâm với nghề từ công ty Việt Mỹ về với cơ sở của mình. Bằng sự mạnh mẽ, quyết đoán, dám đầu tư, chị gieo vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân gắn bó với mình niềm tin mãnh liệt, con tôm sẽ sống được trên đầm cát của sa mạc này, và chính họ là những người sẽ làm hồi sinh những đầm tôm thảm hại mà công ty Việt Mỹ bỏ lại.
Lần nuôi thử nghiệm đầu tiên đã minh chứng cho nhận định và quyết tâm của chị Hạnh là hoàn toàn chính xác. Giữa chủ và công nhân lao động cùng một ý chí, quy trình nuôi tôm trên cát được thực hiện nghiêm ngặt, nên 8 hồ (4ha) nuôi thử nghiệm đã thắng lợi lớn, mang lại vô số ngạc nhiên cho ngay chính những người hoạt động trong ngành thủy sản của tỉnh này.
Một trong những vựa tôm bội thu của chị Hạnh giữa vùng đất cát khắc nghiệt
Thắng lợi của vụ nuôi thử, tiếp đó là những vụ nuôi mở rộng càng khiến chị Hạnh và cộng sự của mình quyết tâm hơn trong việc chinh phục cái sa mạc cát hoang hóa, khô cằn này. Những bước đi táo bạo tiếp theo cũng đã được chị triển khai, như lập Công ty TNHH Sao Đại Dương, thuê hơn 100ha đất 50 năm lập vùng nuôi, tuyển hàng chục kỹ sư, lao động có chuyên môn, hết lòng yêu nghề để chinh phục đồng cát trắng.
Mở rộng hồ nuôi lên gần 100ha, liên tục từ năm 2011 lại nay công ty của chị đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh về nuôi tôm trên cát công nghệ cao. Chỉ tính riêng năm 2014, công ty đã đạt tổng sản lượng xấp xỉ 800 tấn, chiếm hơn 60% sản lượng tôm toàn tỉnh Hà Tĩnh. Với giá bán ra thị trường 120.000 đồng/kg, công ty đã thu về hơn 80 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015, tổng sản lượng sẽ tiếp tục tăng, doanh thu dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Không chỉ có nguồn thu lớn, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 80 lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng/người.
Thành công của “vua tôm” Nguyễn Thị Hạnh đã khiến người dân nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng ở Hà Tĩnh phải nhìn nhận "sa mạc cát" này với một con mắt khác. Từ thành công của chị Hạnh, "sa mạc cát" Hà Tĩnh đã được đánh thức với một phong trào nuôi tôm trên cát phát triển mạnh mẽ. Cả dải cát dài hàng ngàn ha từ Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà) đến Cẩm Hòa, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), hàng chục trang trại nuôi tôm đã mọc lên, vô số tỷ phú nuôi tôm đã ra đời trên sa mạc cát này.
Làng thủy sản không xa
Thành công với con tôm là động lực để lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp bắt tay vào tìm tòi, đưa thêm các con nuôi khác vào vùng "sa mạc cát" này. Cá mú, cá bơn đã cho những tín hiệu hết sức tích cực, kỳ vọng sa mạc cát này trở thành làng thủy sản sẽ không còn xa.
Giữa năm 2014, trong chuyến công tác tại Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự và các thành viên trong đoàn công tác trong đó có lãnh đạo các doanh nghiệp của tỉnh này đã bị mê hoặc trước cơ sở nuôi cá mú hái ra vàng của công ty Fineton. “Thật không thể tin nổi, một địa phương chỉ có cát và cát tương đồng như vùng biển ngang của Hà Tĩnh, nhưng người ta biến những đồi cát thành vùng nuôi cá mú rất trù phú. Người ta hái ra tiền thật sự”- ông Võ Kim Cự nói.
Ngay sau chuyến đi đó, người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp trong chuyến đi đã quyết tâm đưa con cá mú về với sa mạc cát Hà Tĩnh. Một thỏa thuận nhanh chóng được ký kết giữa lãnh đạo, doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh với công ty Fineton (Hồng Kông), theo đó, công ty Fineton sẽ cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, giúp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
3 tháng sau đó, với sự hỗ trợ tối đa của tỉnh, của đối tác, 2 cơ sở nuôi cá mú đầu tiên trên vùng sa mạc cát Hà Tĩnh đã bắt đầu đi vào hoạt động. Dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia phía đối tác, Công ty TNHH Như Nam và Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải đã biến hơn chục ha đất cát tại hai xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà) và Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) thành những cơ sở nuôi cá mú chuyên canh. Hệ thống đường điện, bơm, xả thải nước, thú ý, ao lồng… được thiết kế đúng tiêu chuẩn mà đối tác chuyển giao công nghệ yêu cầu.
Ngày 3/5/2015, mẻ cá mú đầu tiên trên vùng sa mạc cát Hà Tĩnh đã được lãnh đạo tỉnh, chủ cơ sở thả xuống các hồ nuôi.
“Mỗi lứa nuôi có thời gian 7 tháng. Mẻ cá nuôi đầu tiên chúng tôi thả hơn 200 lồng nuôi, mỗi lồng như thế này có số lượng 400 con” – ông Bảo giới thiệu.
Vạn sử khởi đầu nan, nhưng ông Bảo tin vào quyết định đầu tư của mình bởi trại nuôi cá mú được đầu tư đúng với công nghệ của đối tác, con cá mú sau hơn một tháng thả đã có những tín hiệu rất khả quan. “Các chuyên gia phía đối tác đánh giá cá mú ở đây phát triển không hề thua kém ở cơ sở chính bên phía họ. Quá trình nuôi họ đánh giá nguồn cá tự nhiên làm thức ăn ở đây dồi dào, rẻ hơn bên ấy; người lao động tại cơ sở cũng có ý thức rất tốt. Đó là cơ sở để lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tin tưởng vào sự đầu tư của mình ”- ông Bảo tiếp lời.
Rời “sa mạc cát” khắc nghiệt của Hà Tĩnh, trời cuối chiều nắng vẫn chang chang, gió Lào vẫn quần thảo liên hồi, nhưng đi giữa những trang trại nuôi trồng thủy sản, băng qua những khu trồng rau, những khu trồng cây ăn quả ngút ngàn màu xanh, lấp ló trái cây thơm lựng, cái nóng như dịu lại. "Sa mạc cát" đã có những điều kỳ diệu, đã mang đến nhiều hi vọng đổi đời cho người dân sống trên vùng đất khắc nghiệt này.
Văn Dũng - Phượng Vũ