1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vang mãi tiếng trống năm 30”

(Dân trí) - Kỷ niệm 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, tối 12/9, Đài THVN đã thực hiện cầu truyền hình trực tiếp tại hai điểm cầu là Tượng đài lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh) và Di tích lịch sử Nghĩa trang Thái Lão (Nghệ An) với chủ đề “Vang mãi tiếng trống năm 30”

Về dự lễ kỷ niệm có bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước và lãnh đạo các ban ngành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tại hai điểm cầu truyền hình trực tiếp cùng đôn đảo hàng ngàn người dân tham dự.
 
Cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là cao trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là mốc son chói lọi, mở đầu trang sử oanh liệt của cách mạng Việt Nam ngay sau ngày Đảng ta thành lập. Phát huy truyền thống quê hương Xô viết Anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh Nghệ An đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nổ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu qua các thời kỳ cách mạng.
 
“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 1
"Vang mãi tiếng trống năm 30" (Ảnh: Nguyễn Duy - Điền Bắc)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm đầu của thế kỷ 20, phong trào đấu tranh của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ với quy mô ngày càng rộng lớn. Những cuộc đấu tranh liên tiếp của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động chống đế quốc, phong kiến tay sai nổ ra trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam từ đầu năm 1930, là màn mở đầu của một cao trào cách mạng mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo.

Nghệ - Tĩnh là mảnh đất có truyền thống kiên cường bất khuất chống ngoại xâm, có khu công nghiệp Vinh - Bến Thuỷ với lực lượng công nhân đông đảo, có Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh sớm được thành lập, thể hiện sự kết hợp giữa khát khao độc lập dân tộc, ý thức giai cấp sâu sắc và tư tưởng tiến tiến của thời đại, trở thành điều kiện và tiền đề để phong trào đấu tranh của công nông ở Nghệ - Tĩnh thành đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931.

Mở đầu là cuộc bãi công của công nhân nhà máy diêm, nhà máy cưa Bến Thủy vào ngày quốc tế lao động 1/5/1930 và đến tháng 9/1930 phong trào đấu tranh đã chuyển sang bước phát triển mới. Lúc này, khẩu hiệu đấu tranh chính trị được kết hợp với các khẩu hiệu kinh tế, hình thức diễn ra đấu tranh quyết liệt, quần chúng vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy tiến công vào chính quyền địch ở các địa phương. Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình khổng lồ ngày 12/9/1930 của 2 vạn nông dân Hưng Nguyên kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách. Trước khí thế cách mạng mạnh mẽ của quần chúng, đế quốc Pháp đã cho máy bay ném bom làm chết 217 người, bị thương 125 người.

Lễ kỷ niệm 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh là để ôn lại khí thế hào hùng của nhân dân và đảng bộ Nghệ - Tĩnh trong những năm 30-31. Hai đầu cầu là thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) và thị trấn Nghèn (Hà Tĩnh) được truyền hình trực tiếp với chủ đề “Xô Viết Nghệ Tĩnh - vang mãi tiếng trống 30” trong đêm 12/9 là để nhớ lại 80 năm trước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh đã làm nên cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh “long trời, lở đất” mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của đảng viên và nhân dân cả nước.

Ngày nay, với thế và lực mới, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm bắt và vận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đưa quê hương Xô Viết anh hùng trở thành tỉnh khá của cả nước.

Tại Hà Tĩnh: Đêm cầu truyền hình trực tiếp cũng đã ôn lại tiếng trống Xô Viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các "xã bộ nông" mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là "Xô Viết". Cách đây 80 năm, ngày 12/10/1930, hàng vạn nông dân Can Lộc cầm giáo, mác, gậy tre rầm rộ kéo về huyện lỵ cướp chính quyền. Thực dân Pháp cùng bọn tay sai huy động binh lính đàn áp dã man cuộc biểu tình, làm 42 người chết và hàng trăm người bị thương.

Ngày 1/8/1930, gần 500 nông dân huyện Can Lộc đã hội quân ở Hạ Vàng, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về huyện lỵ Nghèn. Ðây là cuộc biểu tình đầu tiên ở quy mô cấp huyện của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hưởng ứng cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Can Lộc, hàng nghìn nông dân ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Ðức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình kéo lên huyện lỵ. 170 làng Xô Viết ở các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ nổ dậy, tri huyện và nha lại, lính tráng đã chạy trốn khỏi công đường, chính quyền về tay nhân dân.

Phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong thời kỳ đổi mới, huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới. Đời sống của nhân dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng khang trang, diện mạo vùng quê nghèo đói đã đổi thay.

Trong không khi chào mừng 80 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, huyện Đức Thọ đã tổ chức gặp mặt, giao lưu ôn lại truyền thống cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước thế hệ cha ông xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Với những quyết tâm và sự nổ lực của các cấp chính quyền cùng nhân dân, huyện Đức Thọ giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội; chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Cùng với những địa danh gắn liền với các Xô Viết như: Ngã ba Nghèn, miếu Biên Sơn (Can Lộc), di tích Rộc Cồn (Hương Khê), đình Tứ Mỹ (Hương Sơn), tiếng trống Xô Viết luôn vang mãi như những khúc quân hành tiếp sức cho nhân dân cùng đồng lòng xây dựng quê hương Xô Viết phồn vinh, giàu đẹp.

Những hình ảnh do PV Dân trí ghi lại trong đêm Kỷ niệm 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh ở hai điểm cầu Nghệ An và Hà Tĩnh:

“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 2

“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 3
“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 4

Nghệ An cái nôi chung của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được tái hiện lại rất rõ trong đêm Truyền hình trực tiếp (Ảnh: Nguyễn Duy - Điền Bắc)

“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 5
“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 6
“Vang mãi tiếng trống năm 30” - 7
Kỷ niệm 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Hà Tĩnh cũng đang ôn lại những hình ảnh, tái hiện lại không khí hào hùng những năm 30-31 (Ảnh: Văn Dũng)


Nguyễn Duy - Duy Thảo - Văn Dũng - Điền Bắc