TPHCM:
Vẫn tha thiết với Đề án hậu cai nghiện
(Dân trí) - Đấu tranh cho sự tồn tại của Đề án hậu cai nghiện đang đứng trước bờ vực của sự phá sản, Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội TPHCM Lê Thanh Tâm: “Chúng tôi muốn thực hiện chương trình này với tinh thần trách nhiệm chứ không phải để “lấy tiếng”!”
Ông Tâm lý giải: “Bởi là người trong cuộc, người thực hiện nên cảm thấy Đề án này thực sự có hiệu quả.
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tiếp tục Đề án này vì cho rằng đó Đề án sinh ra là chỉ dành riêng cho những tỉnh giầu, nếu “bắt” tất cả các địa phương cùng thực hiện thì ngân sách của họ sẽ không thể kham nổi?
Đúng là hiện nay các tỉnh đều băn khoăn rằng thực hiện như TPHCM thì không đủ kinh phí. Phải nói là TPHCM cũng là một địa phương cũng có tiềm lực.
Nhưng, nếu Đề án đã được đưa vào luật rồi thì các địa phương phải tính toán, bố trí ngân sách và không phải địa phương nào cũng sẽ phải tiêu tốn một số tiền “khổng lồ” vì chỉ có một số tỉnh, thành có đối tượng nghiện ma túy cao, chứ không phải tất cả.
| |
Giám đốc Sở Lao động, thương |
TPHCM sẵn sàng bỏ ra một số tiền mà nhiều địa phương cho là “kỷ lục” để giành giật lại người nghiện và lý do của sự sẵn sàng này là gì, thưa ông?
Chủ tịch nước có nói rằng: Thực hiện Đề án chính là cuộc chiến để giành giật số phận của nhiều con người gần như đã bị vứt đi. TPHCM thực hiện Đề án này là thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội chứ đâu phải thành phố chỉ muốn lợi cho riêng mình.
TPHCM sau giải phóng đã có đối tượng nghiện. Khi đó, chúng tôi đã thành lập trung tâm cai nghiện ở Bình Triệu để tiếp quản với thời gian cai nghiện là từ 6 tháng tới 1 năm. Khi cai nghiện như vậy thì hầu hết họ tái nghiện cả.
Sau đó luật Phòng, chống ma túy có điều chỉnh là từ 1 - 2 năm bắt buộc cai nghiện. Nhưng, khi họ trở về cũng lại tái nghiện không thua gì khi thực hiện pháp lệnh trước đó. Không chỉ tái nghiện, số con nghiện mới còn tăng lên với tốc độ nhanh chóng.
Ông có thể chi biết cụ thể hơn về những thành quả mà TPHCM đã đạt được khi thực thi Đề án thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện?
Tính từ đầu năm 2003 tới ngày 31/3/2008 các Trung tâm của Thành phố đã cai nghiện cho 36.244 lượt người, trong đó có 30.681 người đã được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện.
Khu quản lý người sau cai nghiện được trang bị đầy đủ tiện nghi, có điện thoại công cộng, tivi, đầu máy, hệ thống loa phát thanh, sách báo, có nhà câu lạc bộ, sân thể thao và các siêu thị nhỏ. Công tác giáo dục nhân cách trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai đã được biên soạn thành bộ giáo trình gồm 76 bài.
Trong gần 5 năm, các Trung tâm đã tổ chức cho 42.713 lượt người theo học các lớp văn hóa. Đến nay, cơ bản hoàn thành xóa mù chữ. Đặc biệt, các Trung tâm đã tổ chức các lớp đại học từ xa ngành Xã hội học và Quản trị kinh doanh cho cán bộ, nhân viên và người sau cai. Niên khóa 2007-2008 có 589 sinh viên, trong đó có 111 người sau cai nghiện theo học đại học.
Đã dạy nghề cho 31.403 lượt người, trong đó dạy nghề dài hạn tương đương bậc 3/7 cho 1.700 người. Tính đến 31/3/2008, Thành phố đã có quyết định giải quyết cho 13.771 người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, 70% trong số đó có việc làm, có 11.566 người về sống với gia đình, ở thành phố và 683 người được chuyển về các tỉnh khác, số còn lại 1.522 người về làm việc tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân, tái định cư hoặc ở lại làm việc tại một số Trung tâm.
Theo báo cáo của các xã phường, quận huyện của thành phố mới phát hiện được 687 người tái nghiện trên 11.566 người tái hoà nhập cộng đồng chiếm tỷ lệ 6%. Trước khi thực hiện Đề án, tỷ lệ tái nghiện trong 6 tháng đầu mới về tái hoà nhập là 90%...
Và ông cho rằng đó là một niềm tin để tiếp tục duy trì Đề án?
Tôi cho rằng đó là một niềm tin vì trước đây, có những trường hợp chưa về đến nhà đã sử dụng lại ma tuý rồi!
Nếu tất cả các địa phương khác đều làm như vậy thì tỷ lệ sẽ khác đi, thế hệ sau cũng sẽ được an toàn hơn.
Xin trân trọng cám ơn ông.
Là địa phương đầu tiên kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho thí điểm Đề án sau cai, TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vào năm 2003. Để có điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật triển khai Đề án sau cai nghiện, Thành phố đã nâng cấp, mở rộng và xây mới 20 Trung tâm, Trường cai nghiện với công suất từ 28.000 - 30.000 người. Đồng thời Thành phố đầu tư xây dựng mới Cụm Công nghiệp và Khu Dân cư Nhị Xuân với tổng diện tích 54,1 ha, với chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư giải quyết việc làm cho học viên đang cai nghiện, người sau cai và người tái hoà nhập cộng đồng. |
Lê Châu (thực hiện)