1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Vẫn nườm nượp xe công đi lễ chùa

(Dân trí) - Những ngày đầu năm mới, lẫn trong dòng người xe tấp nập đi lễ chùa dâng hương cầu xin phúc lộc có không ít những xe ô tô mang biển xanh, đỏ, trước nay quen gọi là “xe công”...

Cùng với hiện trạng đó là một thực tế khác: Dẫu không phải ngày nghỉ, lễ, công chức vẫn bỏ việc cơ quan để đi lễ cầu may.

Vẫn nườm nượp xe công đi lễ chùa - 1

Một chiếc xe mang biển cấp Trung ương

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM) những xe biển xanh đậu “chễm chệ” ngay trước tiền sảnh. Không chỉ xe công mang biển số TPHCM mà có cả xe mang biển số của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí có nhiều xe mang biển số ở tận… Hà Nội.

Vẫn nườm nượp xe công đi lễ chùa - 2
Vẫn nườm nượp xe công đi lễ chùa - 3

Những chiếc xe mang biển Hà Nội

Sau Tết, nhiều công chức nghỉ hoặc bớt thời gian làm việc để đi lễ hội và lễ chùa. Trước tình trạng này, Thủ tướng đã có chỉ thị nghiêm cấm cơ quan, đơn vị nhà nước dùng xe công đi lễ chùa, cấm công chức dùng xe công vào việc riêng. Thủ tướng cũng từng yêu cầu xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị có xe công đi lễ chùa bị báo chí nêu. Chỉ đạo này nhằm chấn chỉnh tình trạng làm việc nơi lỏng tại một số cơ quan công quyền. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Anh Nguyễn Quốc Thảo, bảo vệ được nhà chùa thuê quản lý khu vực đậu xe ô tô của chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết: “Xe của mấy sếp toàn đồ xịn, kính hiệu. Mấy thằng trộm thì có cần biết sếp nào đâu, thấy đồ càng xịn thì chúng càng muốn chôm. Quản lý mấy xe này không những mệt mà còn đau cả đầu”. Được biết năm ngoái cũng tại chùa này, đạo tặc đã trộm một cặp kính xe ô tô của một lãnh đạo cấp cao khi đi chùa.

Theo ghi nhận của PV, trong số những xe công này, có xe nhỏ chở 1 hoặc 2 sếp đi chùa; có xe 16 chỗ cũng chỉ chở có 2 người đi; hay có chiếc xe biển xanh 16 chỗ đỗ trước cổng chùa, có tới gần 20 người từ trong xe bước ra.

Một diễn biến khác, ngày 18/2, dù đã qua ngày Rằm tháng Giêng nhưng người dân khắp nơi vẫn nườm nượp đổ về các chùa khấn nguyện. Anh Nguyễn Minh Đức (ngụ Củ Chi) và vợ con ngay từ sáng sớm đã đèo nhau xuống chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương để thắp nén nhang, cầu xin phước lộc. “Hôm qua chính lễ, dòng người đông đúc, làm sao chen nổi. Biết đâu còn bị móc túi thì càng xui hơn. Thôi thì để hôm nay đi vậy…”, anh Đức tâm sự.

Tỷ lệ thuận với dòng người tấp nập đi chùa là tình trạng sư giả, dịch vụ bán sách tử vi, nạn ăn xin chèo kéo... tràn lan.

Vẫn nườm nượp xe công đi lễ chùa - 4

Tình trạng sư giả khất thực xuất hiện ở hầu hết các điểm cúng lễ

Tại chùa Bà - Bình Dương, đội ngũ sư giả “trực chiến” 24/24h. Họ cũng cạo đầu, khoác áo nhà sư và chìa bát xin tiền. Theo quy định của nhà Phật, các sư khất thực chỉ được phép đi từ sáng đến 12h trưa ở trên đường, đầu và chân để trần. Tuy nhiên, các sư ở trước cổng chùa Bà thì mang dép lê, thậm chí săng-đan, đầu đội nón lá. Cứ mỗi lần PV đưa máy ảnh lên chụp là các sư lại lấy nón lá che hoặc ngoảnh mặt đi chỗ khác.

Vẫn nườm nượp xe công đi lễ chùa - 5
Đội quân bán dạo "dàn trận" ngay trước lối vào chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm

Còn tại chùa Vĩnh Nghiêm, đội ngũ bán chim phóng sanh, sách tử vi, bói toán… buôn bán ngay trên tầng 1, chính giữa lối vào chánh điện. Khi thấy PV chụp hình, một số người bỏ chạy, một số nhào lại khiêu khích và buông những lời nhục mạ, tục tĩu ngay trước cửa thiền môn.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm