1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Vẫn nhức nhối tình trạng thi hành án nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh"

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa đánh giá, trình trạng cố tình làm trái quy định pháp luật để trục lợi hoặc nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn khá nhức nhối, nhất là ở cấp Chi cục Thi hành án dân sự.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của toàn ngành mới đây.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của toàn ngành mới đây.

Ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự vừa ký văn bản gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước để chấn chỉnh, nhắc nhở về công tác cán bộ.

Theo phát hiện của Tổng cục Thi hành án dân sự, nhiều địa phương không xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nên đã thực hiện việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác một cách tuỳ tiện, không chú trọng công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức nên không tạo được sự đồng thuận, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, tiềm ần nguy cơ bất ổn trong đơn vị

“Có nơi có biển hiện lạm dụng việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để kéo bè cánh hoặc trù dập cán bộ. Thậm chí một số địa phương còn có biểu hiện tiêu cực trong việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, lợi dụng để điều động công chức là con, em được xét tuyển vào cơ quan thi hành án dân sự thuộc khu vực được xét tuyển về địa bàn không được xét tuyển khi chưa đủ thời gian công tác 5 năm tại đơn vị xét tuyển. Rất nhiều địa phương không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, để cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quá lâu tại một đơn vị dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, thậm chí vi phạm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện”- văn bản của Tổng cục Thi hành án nêu rõ.

Qua thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong năm 2016, nhiều vi phạm đã được phát hiện, trong đó có những vụ việc Tổng cục Thi hành án dân sự đã phải có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra xem xét trách nhiệm hình sự ở Đồng Nai, Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang,…

Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, Tổng cục Thi hành án cũng đánh giá chưa được thực hiện bài bản, nề nếp, nhiều địa phương thực hiện quy trình bổ nhiệm lại chậm so với quy định. Có địa phương đề nghị bổ nhiệm lại sau khi đã hết thời hạn được bổ nhiệm làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị như ở Kon Tum, Hà Giang, Gia Lai, Nam Định,… Một số địa phương đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức đang có vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ như ở tỉnh Tây Ninh, công chức vừa hết thời gian thi hành kỷ luật (Trà Vinh, Cà Mau) hay đang trong thời gian thi hành kỷ luật như ở Quảng Ngãi, Hưng Yên.

Bên cạnh đó một số địa phương còn bổ nhiệm công chức thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Một số địa phương đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển hoặc cử công chức không đủ 3 năm làm công tác pháp luật tham gia thi tuyển chấp hành viên (Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, Long An). Cá biệt ở Bình Định còn bổ nhiệm kế toán, lái xe làm thẩm tra viên.

Ông Hoàng Sỹ Thành khẳng định, kỷ luật kỷ cương tại một số địa phương bị buông lỏng.

“Tình trạng công chức cố tình làm trái quy định pháp luật để trục lợi hoặc nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn khác nhức nhối, nhất là ở cấp Chi cục”- ông Thành nhấn mạnh trong văn bản mới ký duyệt.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại một số địa phương chưa được chú trọng, nhiều vi phạm diễn ra trong thời gian dài không được phát hiên hoặc khi phát hiện sai phạm lại không chỉ đạo xử lý kỷ luật kịp thời nên đã dẫn đến tình trạng hết thời hạn, hết thời hiệu xử lý kỷ luật như ở Đồng Nai, Bình Dương.

Một số địa phương thiếu kiên quyết trong việc xử lý kỷ luật đối với công chức vi phạm, kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật chưa tương xứng với mức độ, hành vi vi phạm nên không đảm bảo tính răn đe, giáo dục như ở tỉnh Phú Thọ, Cà Mau.

Chính vì thế, ông Hoàng Sỹ Thành yêu cầu Cục trưởng Thi hành án dân sự địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo mọi hoạt động của đơn vị phải thực hiện theo Quy chế công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và được bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo, trong cấp uỷ và đơn vị.

Tăng cường kỷ luật kỷ cương, quán triệt nghiêm Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống thi hành án dân sự. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong, lề lối làm việc cho cán bộ, công chức trong đơn vị.

“Phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm sát, giám sát các mặt công tác. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với công chức có sai phạm, kiên quyết không để tình trạng quá thời hiệu thời hạn xử lý kỷ luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chủ động đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, đồng thời thông tin kịp thời đến truyền thông báo chí, nhất là các vụ việc do đơn vị tự kiểm tra, phát hiện và xử lý”- ông Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh.

Thế Kha