Vẫn nhan nhản nhà giữ trẻ “chui”
(Dân trí) - Kể từ khi báo chí phanh phui vụ việc trẻ em bị bạo hành ở Đồng Nai, những cơ sở giữ trẻ tự phát, không giấy phép, giữ trẻ tại nhà ở TPHCM đã khéo léo gỡ tấm biển quảng cáo “nhận giữ trẻ” để tránh sự “nhòm ngó” của cơ quan chức năng.
Giữ trẻ không phép “trốn” cơ quan chức năng
Đi một số quận vùng ven TPHCM như quận 2, Thủ Đức, Gò Vấp,… vào thời điểm này, khó tìm thấy một điểm trông giữ trẻ nào. Các tấm biển quảng cáo trước đây vốn nhan nhản, giờ vắng bóng. Nhưng vừa dừng lại hỏi những người dân sống trong khu vực, ngay lập tức được giới thiệu tới mấy địa chỉ giữ trẻ tại gia.
Sau vụ bạo hành trẻ ở Đồng Nai, cơ quan chức năng các TP lớn siết chặt hơn vấn đề quản lý các điểm trông giữ trẻ tự phát, không phép, nên các cơ sở này, trước đã “chui”, nay còn “chui” hơn, kín đáo hơn.
Một đặc điểm dễ nhận thấy là đa số những nhà giữ trẻ kiểu nhóm trẻ gia đình đều nằm trong sâu trong các con hẻm, không gian chật hẹp, phần lớn là nhà ở của người trông trẻ nên không có không gian chơi, ngủ cho trẻ, trẻ bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Dừng lại ở một vài điểm giữ trẻ tư ở quận Gò Vấp để hỏi xin gửi trẻ, một số sẵn sàng nhận ngay, một số thì cho biết chỉ nhận sau Tết. Đa số các nhà giữ trẻ này nhận trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 3 tuổi, giá trông từ 500-700 ngàn đồng/trẻ/tháng, trông từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều; trẻ nào cần “tăng ca” thì phải báo trước và phải đóng thêm tiền.
Những người trông trẻ thường tuổi cao, hầu hết là cán bộ về hưu, trông trẻ để kiếm thêm thu nhập; không có kiến thức sư phạm cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, ngoài chút “kinh nghiệm của bản thân”.
Chúng tôi tới đường Dương Quảng Hàm, được người dân chỉ vào nhà bà H, nhận trông trẻ nhỏ chưa đủ tuổi đi mẫu giáo. Bà H hồi hởi cho biết gia đình bà thường xuyên nhận trông từ 10-12 trẻ nhưng hiện chỉ còn 1-2 cháu vì các cháu đã nghỉ Tết. Bà cho biết nếu muốn gửi con ở đây thì sau Tết quay lại.
Đi tiếp một đoạn nữa vào khu vực đường Trương Minh Giảng, được chỉ vào nhà số C3, căn cứ 26F, phường 17, quận Gò Vấp. Ngôi nhà nhìn qua không ai nghĩ là điểm trông trẻ vì tầng một làm nơi bán quần áo. Cô L trông giữ trẻ trên tầng 2. Tôi thoáng lo sợ khi chứng kiến gần 20 đứa trẻ đang say ngủ trên nền nhà không chiếu, không chăn, trong căn phòng rộng chừng 16m2.
Cô L chỉ cho tôi xem tấm bảng thông báo sẽ giải tán lớp vào ngày 24 Tết, với lý do “phường cấm không cho làm, vì cô không có bằng sư phạm”. Tuy nhiên, cô cũng “nháy” rằng ra Tết sẽ giữ lại khoảng 5 cháu “thân thiết” mà cô đã trông từ lâu.
Rời Gò Vấp qua quận 2, được người dân chỉ vào nhà ông L chạy xe ôm ở KP1, Bình An. Chị chủ nhà này cho biết nhận giữ trẻ theo ngày, mỗi trẻ 20 ngàn đồng một ngày. Hỏi thêm có nơi nào nhận nữa không thì được trả lời ở đây có rất nhiều.
Vẫn có những “điểm sáng”
Sự kiện bảo mẫu trường mầm non Thiên Thơ ở TPHCM dán băng keo vào miệng cháu bé Bảo Trân 18 tháng tuổi, gây nên cái chết thương tâm của cháu; hay vụ việc “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai dùng đòn tàn bạo trong bữa ăn của trẻ đã khiến dư luận có cái nhìn ác cảm và hoang mang đối với các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân.
Một nhà trẻ tư thục có phép hoạt động khá bài bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường mầm non tư thục có phép hoạt động khá bài bản, nuôi dậy trẻ rất khoa học và trách nhiệm.
Chúng tôi đã đến thực tế tại một vài nhà trẻ như Ngôi Sao Nhỏ, Phượng Hồng, Sao Mai ở quận Thủ Đức, tận mắt chứng kiến các cháu được chăm sóc và dạy dỗ khá cẩn thận. Các cơ sở này hầu hết đều đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, có không gian rộng rãi, thoáng mát, các bảo mẫu đều có bằng cấp sư phạm mầm non. Trẻ được ăn, được chơi và được học.
Cô giáo Loan hiện đang công tác tại một trường tư thục mầm non tâm sự: “Sự cố ở một số nhà giữ trẻ hoạt động không giấy phép và trường mầm non Thiên Thơ chỉ là thiểu số. Chứ ở đây các nhà trẻ có giấy phép đều được phòng giáo dục và chính quyền kiểm tra kỹ trước khi cấp phép, hoàn toàn đảm bảo cho trẻ có sân chơi lành mạnh”.
Đi thêm một vài nhà trẻ tư thục có giấy phép nữa, cơ bản nhận thấy hoạt động rất tốt, ít có sự phàn nàn từ phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thị Đào ở quận Thủ Đức cho biết: “Gửi con ở đây tôi rất yên tâm, mặc dù có nghe một vài sự kiện không tốt về các nhà trẻ nhưng đó là những nhà trẻ tự phát và số ít. Tôi vẫn tin tưởng vào các nhà trẻ tư thục có giấy phép và an tâm giao con cho họ để đi làm. Hơn nữa giá cũng rẻ hơn so với việc gửi con ở chỗ mấy người làm nghề giữ trẻ tại gia”.
Lê Mỹ - Đức Nguyễn