1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vẫn “mắc” ở việc nuôi động vật quý hiếm

(Dân trí) - Vấn đề nuôi sinh sản động vật quý hiếm trong dự thảo Luật Đa dạng sinh học vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến khác nhau tại Thường vụ Quốc hội. Cùng đó, việc “ứng xử” với vấn đề đột biến gen cũng chưa có được sự thống nhất.

Sáng 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Đa dạng sinh học sau khi đã có những điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Liên quan đến sinh vật biến đổi gen,UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề mới, nhạy cảm, còn có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ tác động của sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen đến đa dạng sinh học nên trong dự thảo luật lần này chỉ quy định 4 điều. Trong đó có các điều về đánh giá rủi ro, công khai thông tin về mức độ rủi ro, biện pháp quản lý rủi ro đối với môi trường, con người; quản lý thông tin về sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền cả sinh vật biến đổi gen…

Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận góp ý, theo khoản 4 điều 3, đa dạng sinh học được hiểu là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên, có nghĩa gen được đặt đầu tiên nên việc chỉ qui định 4 điều về đột biến gen là chưa đủ. Cho dù đây là vấn đề mới, nhưng theo ông Thuận vẫn phải có những nguyên tắc trong luật.

Về việc nuôi sinh sản các loại thuộc danh mục loại được ưu tiên bảo vệ, ông Thuận tán thành với dự thảo của luật, không cho phép nuôi sinh sản thương mại. Theo ông Thuận, nếu cho phép nuôi giết thịt sẽ khó phân biệt đâu là thịt từ động vật được nuôi, đâu là động vật trong tự nhiên.

“Tôi thì cho rằng, nuôi sinh sản là có phát triển, còn thương mại ở đây không chỉ là phục vụ nhà hàng mà còn cho dịch vụ, du lịch”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm. Theo ông Hiển có thể cho nuôi sinh sản, nhưng phải cấm giết thịt.

Với trường hợp được nuôi phục vụ du lịch sinh thái như trong quy định của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu cho rằng, phải tính đến việc người nuôi có được mua bán không. Trong thực tế, người nuôi có thể bán cho người khác hoặc bán cho cơ sở nào đó và việc này cần phải có quy định trong luật.

Ông Lưu cũng cho rằng, cần rà soát lại các quy định có phù hợp với các công ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia hay không. Đặc biệt, cần xem xét, khi luật ra đời có đủ khả năng xử lý những vấn đề của thực tiễn hay không… Rất nhiều ý kiến cũng thừa nhận, chúng ta đang rất bối rối trong “ứng xử” với việc người dân nuôi gấu, nuôi hổ hiện nay.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện lại quan tâm đến vấn đề quản lý các khu bảo tồn. Theo ông Vượng, việc qui định cá nhân được giao quản lý khu bảo tồn có nghĩa vụ quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu vật, nguồn gen, xây dựng dữ liệu và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, có gì đó… “vướng vướng”. “Phải có tiêu chuẩn như thế nào đó mới làm được như vậy, thậm chí phải là nhà khoa học, chứ người nông dân thì không thể!”, ông Vượng nhấn mạnh.

Kim Tân