1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TS Trần Du Lịch:

Vấn đề sống còn của TPHCM là giải quyết nhà ở cho người dân các khu ổ chuột

Q.Huy

(Dân trí) - TS Trần Du Lịch nhắc lại việc "người dân phải chia ca ngủ" tại quận 1 và nhấn mạnh, chương trình phát triển nhà ở là vấn đề sống còn của TPHCM. Đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người dân các khu ổ chuột.

Tại kỳ họp về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 1/7, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, đã nêu rõ những vấn đề mà địa phương đang gặp phải và đề xuất hàng loạt giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, ông đã đề cập tới vấn đề giải quyết nhà ở cho người dân.

Nhắc lại câu chuyện "người dân phải chia ca ngủ" tại quận 1 (TPHCM), TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, chương trình phát triển nhà ở là vấn đề sống còn của thành phố và cần sự tập trung cao độ. Thành phố không nên quan tâm đến chỉ tiêu mỗi người có bao nhiêu m2 đất, mà vấn đề chính là giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân sinh sống tại các khu vực ổ chuột.

Vấn đề sống còn của TPHCM là giải quyết nhà ở cho người dân các khu ổ chuột - 1

TS Trần Du Lịch góp ý cho phát triển kinh tế TPHCM thời gian tới (Ảnh: H.Q.).

"Một người có 100m2 đất ở TPHCM nhiều lắm, nhưng có nơi 10 người ở vài m2 cũng nhiều. Vừa qua, Bí thư quận 1 có nêu vấn đề về người dân phải sinh sống trong cảnh không thể tưởng tượng được. Đó là điều thành phố cần tập trung chứ không phải chỉ tiêu bao nhiêu m2 đất mỗi người", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, những điểm sáng về con người, về vấn đề xã hội mới là những kết quả rõ nét nhất để TPHCM chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố sắp tới.

Về vấn đề kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, nếu nhìn các chỉ số cụ thể thì TPHCM tăng trưởng khựng lại trong quý II/2024. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, thành phố đã làm được nhiều việc về an sinh, xã hội, chuyển đổi số và giải quyết vấn đề môi trường.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước có vấn đề và TPHCM cũng có cùng nỗi lo ấy. Điều này thể hiện qua việc số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm ở mức cao nhưng số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng không nhỏ.

"TPHCM là thành phố lớn nhất, muốn khỏe mạnh thì phải ăn cho được, nhưng nay ăn không vô. Chúng ta đang vướng ở khâu hấp thụ vốn, đầu tư tư nhân còn vướng rất nhiều dự án", ông Trần Du Lịch phân tích.

Vấn đề sống còn của TPHCM là giải quyết nhà ở cho người dân các khu ổ chuột - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị (Ảnh: Hoàng Quy).

Tại buổi làm việc, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cũng cho rằng, số vốn thu hút được trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số vốn này khó hấp thụ được và trở thành công trình, dự án cụ thể.

"Đây là vấn đề rất lớn, chúng ta vừa mất sức thu hút vốn đầu tư nhưng lại không triển khai được dự án, không hấp thụ được vốn", TS Trương Minh Huy Vũ làm rõ.

Thời gian qua, TPHCM đã phát triển mạnh chiến lược về lễ hội văn hóa, âm nhạc, du lịch, sông nước. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là hạ tầng phục vụ cho các lễ hội, dịch vụ vẫn là điểm nghẽn.

"Nếu càng phát triển chiến lược này mà hạ tầng không đủ đáp ứng là chúng ta tự trói tay, càng làm càng rối và không đạt hiệu quả tối ưu", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM bày tỏ.

Về tình hình chung, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng, tình hình kinh tế của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 6 tháng đầu năm. Trong bối cảnh của TPHCM có xu hướng tăng tốc trong 2 quý cuối năm, địa phương có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% trong năm nay nếu có các giải pháp trọng tâm.