“Vấn đề nổi cộm của Thủ đô sắp tới là… nông thôn”
(Dân trí) - Đó là ý kiến của ông Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc tại hội nghị BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội sáng nay. Rất nhiều ý kiến khác cũng “nhìn xa” tới những vấn đề của Hà Nội sau khi mở rộng.
Các vấn đề của Hà Nội hiện tại và Hà Nội mở rộng cùng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội giữa nhiệm kỳ khoá XIV.
Đi trước để tiết kiệm về sau
Uỷ viên thường trực HĐND, Lê Văn Hoạt đồng tình với những thành quả ban đầu trong việc chỉnh trang đô thị thời gian qua. Theo ông Hoạt, những việc đã làm thể hiện sự không chấp nhận nhếch nhác, thể hiện sự tự trọng của người thủ đô…
Bày tỏ sự hài lòng với những thành tựu kinh tế của thủ đô như trở thành điểm thu hút đầu tư hàng đầu của cả nước, năng lực cạnh tranh dần cải thiện… nhưng ông Hoạt cũng nhấn mạnh, thủ đô cần lấy chất lượng tăng trưởng là chính. Ông đề cập, thủ đô cần tính toán tăng trưởng bằng GDP “xanh”, tức giá trị tăng trưởng thật, sau khi đã trừ đi chi phí môi trường.
Việc lấy công làm lãi, tăng trưởng vô tội vạ theo ông Hoạt không còn phù hợp với điều kiện mới. Vấn đề môi trường đã đến lúc cần phải báo động mạnh mẽ.
Bất cập hiện nay là đầu tư xử lý nước thải rất lớn, trong khi mức xử phạt vi phạm lại rất nhỏ, thậm chí đầu tư 10, mức phạt chỉ là 1. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp thà chịu phạt, chứ không đầu tư. Cảnh sát môi trường được thành lập đã tiến hành xử phạt, nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Ông Hậu cũng lo ngại, khi sáp nhập, mở rộng, nhiều nơi chưa có xử lý, vận chuyển rác thải tập trung, vẫn đổ rác… lấp sông. Tới đây, theo ông vấn đề này cần phải xử lý sớm, bởi “đi trước để tiết kiệm về sau”.
Cải tạo khó hơn làm mới
Ông Vũ Văn Hậu cho rằng, hiện nay Hà Nội và Hà Tây đang có những qui hoạch riêng của mình, nếu sau khi sáp nhập không làm nhanh qui hoạch chung sẽ làm nảy sinh rất nhiều phức tạp. Ông cũng nhấn mạnh việc quy hoạch vùng nông thôn, bởi theo ông đây là vùng tự hào của thủ đô trong thời gian tới.
Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc Trần Trọng Hanh chia sẻ, quy hoạch chung sắp tới là vấn đề rất lớn. Thời gian qua, nhiều nơi “cứ có đất là làm”, đặc biệt là bám theo các trục đường, vấn đề điều chỉnh không phải đơn giản. “Cải tạo, chỉnh trang, khó hơn phát triển mới”, ông Hanh nhấn mạnh.
Vấn đề quy hoạch mới theo ông Hanh cần phải tính toán trên cơ sở 5 dòng sông: Hồng, Nhuệ, Đáy, Tích, Đà. Sở dĩ như vậy vì thực tế trước đây theo ông Hanh đã có những quy hoạch đề cập tới việc xây dựng sân bay tại Phú Xuyên, nơi các dòng sông đổ về. Ông cũng tỏ ra lo ngại khi có những dòng sông “đang tiến dần đến cái chết” như sông Đáy, thậm chí cả sông Tích.
Ông Hanh cũng cho rằng, tới đây vấn đề nông dân, nông thôn là vấn đề “nổi cộm” khi có tới 60% dân số là nông dân.
PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Đức Trung cho biết, nông nghiệp của Hà Nội hiện nay chỉ đóng góp 1,4% GDP, nhưng lại rất quan trọng với 700.000 nông dân. Nếu sáp nhập, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là rất nặng nề khi phải giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho 2,5 triệu nông dân. Đặc biệt, vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn sẽ như thế nào khi hiện nay, nông nghiệp vẫn là con trâu đi trước, cái cày theo sau.
Chưa nói tới Hà Nội mở rộng, ông Lê Văn Hoạt đặt ra vấn đề, đầu tư ra ngoại thành hiện nay đã đúng như chỉ đạo hay chưa? Cũng theo ông, nền nông nghiệp đô thị sinh thái của Hà Nội hiện nay vẫn…chưa thấy đâu.
Bài và ảnh: Cấn Cường