1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Vẫn còn những “điểm nghẽn” kìm hãm tăng trưởng

(Dân trí) - Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 trước Quốc hội trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa được cải thiện vẫn là những “điểm nghẽn” của tăng trưởng.

Kiềm chế lạm phát bằng 1/3 năm 2008

Trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhờ thực hiện tổng hợp các giải pháp, nền kinh tế đã sớm chặn được đà suy giảm. Các doanh nghiệp đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, sản xuất được phục hồi và có bước phát triển, lao động được thu hút trở lại (tạo thêm trên 1,5 triệu chỗ làm việc).
Vẫn còn những “điểm nghẽn” kìm hãm tăng trưởng - 1

Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 (Ảnh: Việt Hưng)

Thủ tướng nhận định, việc chủ động chuyển hướng điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, đồng bộ và phù hợp thực tế đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức chỉ bằng 1/3 năm 2008.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 9 tháng đầu năm tăng 4,56% và dự kiến cả năm tăng khoảng 5,2% đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

“Coi trọng an sinh xã hội, qua tâm chăm lo người nghèo, các đối tượng chính sách và những vùng khó khăn là nét nổi bật nhất năm 2009”, Thủ tướng nhấn mạnh trong báo cáo. Theo đó, tổng chi cho an sinh xã hội ước khoảng hơn 22.000 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2008…

GDP 2010 tăng 6,5% so với 2009

Tuy nhiên, theo Thủ tướng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 vẫn thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp.

“Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Việc điều hành tỉ giá và thị trường ngoại hối chưa thật linh hoạt, dẫn đến tình trạng gắm giữ đô la, gây căng thẳng không đáng có và cán cân thanh toán tổng thể đã bị thâm hụt, trong khi nguồn ngoại tệ của đất nước vẫn khá dồi dào”, báo cáo của Thủ tướng nêu rõ.

Bội chi ngân sách tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại.

Môi trường kinh doanh chưa thật thông thoáng. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực hiệu quả còn thấp. Năng lực và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô vẫn còn hạn chế.

Quản lí nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo còn bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực thấp: năm 2009 tỉ lệ lao động qua đào tạo mới đạt khoảng 38%, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.

Chỉ tiêu tạo việc làm, xuất khẩu lao động không không đạt kế hoạch, tỉ lệ lao động thất nghiệp thành thị tăng. Quản lí nhà nước về lao động, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa tốt.

Thủ tướng đánh giá, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Kỉ luật, kỉ cương chưa cao. Khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều, số lượng khiếu kiện đông người tăng hơn năm 2008.

Về mục tiêu tổng quát năm 2010, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân…

Về các chỉ tiêu cụ thể, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với 2009.  Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%...

Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.  

Điều chỉnh lương tối thiểu trong các doanh nghiệp từ đầu năm 2010, lương tối thiểu chung lên 730.000 đồng/tháng từ 1/5/2010…
 
Trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đánh giá, nền kinh tế nước ta năm 2009 đã sớm thoát khỏi suy giảm, tăng trưởng đạt mức khá so với nhiều nước, nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế.
 
Về tốc độ tăng trưởng 2010, nhiều ý kiến trong UB Kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế quí IV năm 2009 đã đạt 6,8%, tăng trưởng kinh tế năm 2010 có thể đạt mức cao hơn. Tuy nhiên, không nên quá tập trung vào tốc độ tăng trưởng mà nên chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Do vậy, đa số ý kiến trong UB Kinh tế nhất trí đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 khoảng 6,5%.
 
Về chỉ số giá tiêu dùng, đa số các ý kiến của UB Kinh tế nhìn nhận, giá cả trên thị trường quốc tế 2010 có xu hướng tăng hơn 2009, trong khi gói kích thích kinh tế, chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá nới lỏng trong năm 2009 sẽ tạo sức ép lạm phát năm 2010 cao hơn năm trước.
 

Bởi vậy, để chủ động hơn cho công tác chỉ đạo điều hành, đề nghị chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 8%, thay vì khoảng 7% như đề xuất của Chính phủ.

 
Cấn Cường