1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vẫn còn đó 5 triệu nỗi đau da cam

(Dân trí) - Có ít nhất 3.181 thôn làng Việt Nam bị rải chất độc hoá học, hơn 2 triệu người bị trực tiếp ảnh hưởng bởi dioxin, đó là những con số đã được thống kê tại Hội nghị khoa học quốc tế “Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - Những điều mong muốn” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, một vùng “nóng” về thảm hoạ chất độc da cam/dioxin đã có hơn 2 vạn người bị nhiễm và nghi nhiễm loại chất độc quái ác này. Như vậy, cũng sẽ xấp xỉ chừng ấy người mẹ đang mang nỗi ám ảnh về cuộc sống bất thường của con mình. Ước mơ về một cuộc sống bình lặng của họ luôn bị ám ảnh bởi những đứa con dị tật.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng trên khắp các miền quê Việt Nam vẫn hằn sâu nỗi đau của chiến tranh trên hình hài của những đứa trẻ dị tật, ở gương mặt tuyệt vọng của những người phụ nữ bị tước mất quyền làm mẹ. Người ta gọi đó là nỗi đau da cam.

Theo ông Lê Kế Sơn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, hiện tại mới chỉ có khoảng 210.000 nạn nhân chất độc hoá học được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg của Chính phủ. Những người này đã từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học Mỹ và con cái của họ cũng phải chịu theo bệnh tật bởi chất độc da cam.

Cả nước ta hiện mới chỉ có 3.400 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Còn lại là hàng vạn, hàng triệu người khác đang hàng ngày, hàng giờ quằn quại trong cơn đau bởi di chứng của chất độc màu da cam. Đó là bằng chứng của tội ác mà đế quốc Mỹ đã thực hiện trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong những công trình nghiên cứu về tác hại của chất độc hóa học do Quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam, gần 5 triệu người dân Việt Nam vẫn đang từng ngày phải đối mặt với thảm họa này. Theo dự báo, 50 năm sau nữa bi kịch này vẫn chưa hẳn sẽ kết thúc.

Trong khi các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã được các công ty sản xuất hóa chất Mỹ đền bù bởi di hại của chất diệt cỏ thì họ lại chối bỏ trách nhiệm trên đối với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Hơn 100 đại biểu đã cùng góp tiếng nói vào thông điệp: “Con số thống kê thuần tuý có khoảng 2,1 triệu đến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn chưa phản ánh hết hoàn cảnh của nạn nhân. Hội nghị của chúng tôi đồng tình với quan điểm của bạn bè quốc tế, lên án thái độ thiếu trách nhiệm của các công ty hoá chất Mỹ, và yêu cầu họ phải đền bù cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân Việt Nam.”

Họ đã, đang sống với “bóng ma” da cam

Bà Susan Hammond - Phó giám đốc Quỹ Hoà giải và Phát triển (Mỹ) phát biểu: “Người Mỹ phải có trách nhiệm hơn, cả về vật chất và tinh thần đối với những gì họ đã gây ra cho các nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã có một số động thái làm giảm ảnh hưởng của chất độc da cam lên môi trường của Việt Nam, nhưng vẫn chưa có động tác nào làm giảm sự ảnh hưởng đến con người, đến sức khoẻ của người dân Việt Nam. Không chỉ những người Việt Nam mà các cựu binh Mỹ cũng đã phải sống với “bóng ma” da cam trong nhiều năm qua. Do vậy vấn đề này cần phải được giải quyết để “bóng ma” da cam không còn ám ảnh mọi người.”

Sống còn khủng khiếp hơn là cái chết

Bà Diane Nicblack Fox, khoa Nghiên cứu Châu Á, Đại học Hamilton (Mỹ): “Dioxin ở người sống và di chứng còn khủng khiếp hơn là chết. Dioxin tác hại với con người thật là tàn khốc và dai dẳng. Số người tiếp tục sinh ra bị khuyết tật và sự phát triển dai dẳng một số bệnh ở các nạn nhân thậm chí còn khủng khiếp hơn số người đã chết trong chiến tranh.”

Cần phải giúp đỡ tối đa cho các gia đình và nạn nhân bất hạnh

Giáo sư Jacques Maitre - Trung tâm Nghiên cứu và hoạt động về các chấn thương tâm lý và trục xuất (Pháp): “Tai hoạ lớn còn tồn tại do chất độc da cam gây ra thúc đẩy các đại biểu một mục đích còn cơ bản hơn bản thân việc nghiên cứu, đó là giúp đỡ tối đa cho các gia đình và nạn nhân bất hạnh”.

Trần Đức