1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Văcxin tiêm phòng cúm vẫn đảm bảo chất lượng”

(Dân trí) - “Đàn vịt đã tiêm đầy đủ, có miễn dịch mà vẫn chết phải xem lại văcxin có tương đồng không, tiêm phòng có đầy đủ, kỹ thuật tiêm có tốt không. Tôi xin khẳng định, cho đến hiện nay, văcxin vẫn đảm bảo chất lượng”.

Đó là lời khẳng định của ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục thú y - Bộ NN&PTNT trước những thông tin phản ánh gia cầm sau khi tiêm phòng vẫn dương tính với virus cúm H5N1.  

 

Thưa ông, đây là phản ánh của các đơn vị địa phương, cụ thể là Cơ quan Thú y vùng VI, sau khi đã thực hiện chương trình tiêm phòng cho đàn gia cầm.

 

Chúng tôi cũng đã nghe báo chí phản ánh về thông tin này nhưng cần phải kiểm tra lại bởi Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI nói thế là chưa có cơ sở khoa học. Nếu nói rằng hiệu quả, hiệu giá của kháng thể thấp thì phải kiểm tra xem hàm lượng kháng nguyên trong liều văcxin ấy có đủ hay không.

 

Bên cạnh đó, khi tiêm một liều văcxin, trong đó có kháng nguyên thì bắt buộc cơ thể phải sinh ra kháng thể cho dù kháng thể đó có bảo hộ hay không. Loại văcxin này đã có kết quả thử nghiệm và khảo nghiệm tốt từ Viện thú y. Chính vì vậy, cho tới bây giờ tôi vẫn khẳng định văcxin vẫn cho kết quả tốt.

 

Về vấn đề mức bảo hộ ở một số nơi chỉ đạt 50- 60%, chúng tôi cũng sẽ xác minh lại. Có thể nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức tiêm văcxin. Thực tế kiểm tra ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long đã cho thấy vẫn xảy ra hai tình huống, một là có những đàn vịt hoàn toàn không tiêm văcxin, hai là tiêm với số lượng không đủ 100% con. Trong khi đó, số mẫu phẩm đem đi xét nghiệm có khi lại rơi đúng vào một số con chưa tiêm nên sẽ kéo theo kết quả là mức độ bảo hộ thấp. Tới đây chúng tôi sẽ có biện pháp chấn chỉnh ngay vấn đề này.

 

Vậy, trước khi có kết quả kiểm tra lại về mức độ bảo hộ của văcxin có nên dừng việc tiêm phòng?

 

Đây là chiến dịch có tính chất cực kỳ quan trọng để đối phó với nguy cơ dịch cúm bùng phát trên toàn quốc nên chắc chắn không thể trì hoãn được. Đối với báo cáo từ Chi cục Thú y vùng VI, chúng tôi đang muốn tìm xem đàn vịt nào đã tiêm mà phát bệnh và kiểm tra xem có tiêm thật không bởi gia cầm chết mà đã được tiêm phòng sẽ còn kháng thể bảo hộ. Và nếu có kháng thể mà vẫn bệnh, chết, thì cũng cần xem nguyên nhân do bệnh gì, có phải cúm hay không?

 

Giải quyết ra sao nếu sau khi xét nghiệm cho kết quả là văcxin đang tiêm hiện nay có  tỷ lệ bảo hộ thấp?

 

Nếu thực sự văcxin không có hiệu quả thì buộc phải thay loại khác. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn phải tiếp tục tiêm.

 

Ngoài các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện từ 4-5 năm nay. Ban chỉ đạo có triển khai thêm biện pháp gì mới để ngăn chặn được ttình trạng dịch cúm lan tràn như hiện nay?

 

Không có biện pháp gì mới cả. Trong 2-3 năm nay chúng ta đã hoàn chỉnh rất nhiều biện pháp. Nhưng nguyên nhân khiến chúng ta chưa hoặc ít thành công trong việc ngăn chặn dịch cúm lan rộng là do quá trình tổ chức các biện pháp thực hiện chưa tốt. Cụ thể, trong đợt dịch vừa xảy ra, khâu tổ chức ở địa phương vẫn chưa tốt, vẫn còn có nhiều hộ vịt nuôi bất hợp pháp, số vịt chạy đồng nhiều, tỷ lệ tiêm phòng không cao, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng không tốt...

 

Bài học vừa qua đã cho thấy, chúng ta vẫn quá chủ quan trong vấn đề phát hiện virus (ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Cà Mau khi virus đã lưu hành 7- 8 ngày và đã phát triển trên diện rộng).

 

Ban chỉ đạo quốc gia đặt mục tiêu là ngăn chặn dịch cúm lan rộng nhưng cho đến nay đã có 7 vùng mắc dịch?

 

Nói thì vậy thôi, khi chúng tôi nêu quyết tâm như vậy thì không biết là mầm bệnh đã phát tán ra xa rồi. Bây giờ cũng vẫn cố gắng hạn chế ngăn chặn không cho dịch lây lan nữa.

 

Quan điểm của Cục Thú y về vấn đề chăn nuôi và ấp nở gia cầm trong thời điểm này thế nào, thưa ông?

 

Chưa có quan điểm gì, chúng tôi vẫn đang bàn!

 

Xin cảm ơn ông!

 

Chiều ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cùng lãnh đạo các địa phương phải có thêm các biện pháp kiên quyết nhằm khống chế, dập tắt dịch cúm gia cầm, tránh tình trạng lây nhiễm cúm A (H5N1) sang người.

 

Công điện nêu rõ: Các Bộ, ngành phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; tổ chức tốt việc tuyên truyền; tăng cường các biện pháp giám sát; khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm phòng văcxin bổ sung; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển gia cầm, gia cầm nhập lậu.

 

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm thông báo, hiện dịch đã xuất hiện tại 7 tỉnh ĐBSCL. Thứ trưởng NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết cho biết Bộ đang cân nhắc phương án nuôi nhốt thuỷ cầm trong phạm vi xã, gắn liền với trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Chẩn đoán Thú y, các mẫu xét nghiệm của gia cầm, thuỷ cầm bệnh, chết tại một số tỉnh phía Bắc đều cho kết quả âm tính với virus H5. Như vậy, cho đến thời điểm này, miền Bắc vẫn chưa xảy ra dịch cúm. Tuy nhiên, bà Trần Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cảnh báo dịch có thể bùng phát ở miền Bắc bất cứ lúc nào do nạn nhập lậu gia cầm. “Kể cả khi gia cầm đã bị xử lý (chôn lấp), người dân chỉ chờ cơ quan chức năng đi khỏi là đào gia cầm lên đem đi bán lại” - Bà Kim Anh cho biết.

 

Thanh Trầm (thực hiện)