1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ưu tư chuyện lương con trai Thường trực Ban Bí thư cao hơn cả Bộ Chính trị

(Dân trí) - “Con trai tớ lương tháng 350 triệu đồng, cộng lương của mình và cả Bộ Chính trị không bằng. Phải trăn trở chuyện đó” – đây là câu chuyện của nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Trần Đình Hoan mà đại biểu Quốc hội chia sẻ để nói về vấn đề cải cách bộ máy nhà nước…

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, phiên thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội chiều 25/5 cũng ghi nhận nhiều ý kiến mổ xẻ về vấn đề cải cách hành chính, cải cách bộ máy, công tác cán bộ – một nội dung được đưa vào báo cáo của Chính phủ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nhiều năm qua, Chính phủ tiến hành cải cách hành chính nhưng kết quả chưa khả quan. Bộ máy quá cồng kềnh dẫn đến chi thường xuyên quá lớn, trong khi đó chất lượng cán bộ lại khó đo đếm.

“Trong cuộc gặp của Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây, bầu Đệ ở Thanh Hóa nói rằng 50% cán bộ, công chức hiện chỉ ngồi chơi xơi nước. Trước đó cũng có một vị lãnh đạo dẫn ý kiến chuyên gia, cho là 30% người trong bộ máy hành chính sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Cá nhân tôi thấy tỷ lệ đó còn cao hơn. Với đội ngũ như vậy thì ban hành chính sách làm sao tốt được” - ông Vân phát biểu.

Theo ông, chính vì bộ máy thì cồng kềnh nên “cứ bóp trên thì phình dưới”, nghĩa là giảm đầu mối cơ quan ở trên lại phình chân rết ở dưới, giảm được người ở cơ quan này thì tăng ở đơn vị khác, chưa phải tinh giản thật sự.

Theo ông Vân, trọng dụng nhân tài là khâu mấu chốt cho việc phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác cán bộ đang có vấn đề báo động.

Đại biểu dẫn chứng hiện tượng “cả họ làm quan”, bổ nhiệm “người nhà”, nhấn mạnh: “Gần đây tôi nghe câu nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ. Như vậy là không còn chỗ cho trí tuệ. Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là alo gửi gắm, trao đổi, thì làm gì có chỗ cho nhân tài”.

Ông nhắc đến trường hợp gần đây nhất đang khiến dư luận bất bình là Giám đốc bệnh viện ở Đồng Tháp bổ nhiệm con trai bị động kinh làm Phó Trưởng khoa.

Cách tuyển dụng, xây dựng bộ máy như thế nên theo đại biểu, hiện nhiều cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được. Ông cảnh báo, năng lực người lãnh đạo như vậy mà điều hành, công việc chỉ có rối loạn.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng, công tác cán bộ có nhiều sai phạm, nhất là các vụ bổ nhiệm mà một vấn đề gây bức xúc lớn với dư luận.

“Như vụ bổ nhiệm thần tốc hot girl ở Thanh Hóa gây lùm xùm như vậy mà bây giờ nghe đâu người này sang New Zealand sống. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc. Tôi đã nói nhiều lần về vấn đề này, khi cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì phải hạn chế xuất cảnh, nhưng cuối cùng nhiều trường hợp ta vẫn để họ rời đi như là một cách trốn chạy trách nhiệm vậy” – ông Nhưỡng đề cập.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5.

Liên quan đến vấn đề công tác cán bộ, cải cách bộ máy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) – Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam chia sẻ chuyện nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan (2001-2006) từng kể: “Con trai tớ lương tháng 350 triệu đồng, cộng lương của mình và cả Bộ Chính trị không bằng lương của nó. Phải trăn trở chuyện đó”.

Chia sẻ ưu tư của ông Trần Đình Hoan, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, qua bao nhiêu năm nay tình hình vẫn chưa thay đổi, khác đi. Và đó chính là nút thắt cho bài toán cải cách bộ máy.

“Lật lại lịch sử, Toàn quyền Đông Dương xưa không phải lo nuôi cả bộ máy điều hành toàn xứ mà phân cho các tỉnh tự chủ, tự lo. Còn ta cứ giữ bộ máy chính trị, hành chính như này, sẽ khó mà giải quyết nổi vấn đề” – ông Thịnh nói.

Nói lại về chuyện bộ máy vẫn bị cho là cồng kềnh, trì trệ kéo dài thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) lý giải, nguyên nhân là do việc phân cấp, phân quyền còn quá nhiều vấn đề. Ví dụ trong ngành nội vụ, để tuyển dụng không qua thi tuyển một công chức cấp phòng ở huyện phải báo cáo lên Bộ trưởng Nội vụ; trong khi chủ tịch UBND tỉnh được giao bổ nhiệm đến Giám đốc Sở, không qua Bộ.

Về tinh giản biên chế để thực hiện việc cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, cứ 6 tháng địa phương tổng hợp báo cáo lên trung ương, Bộ thẩm tra và ngành tài chính thẩm định, rồi căn cứ vào đó cấp kinh phí.

“Nhiều lần tôi nói là giao cho địa phương làm luôn, Bộ chỉ làm hậu kiểm, nhưng thực tế có quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định khiến kéo dài thời gian”, ông Tân nói và cho biết hiện chưa có chế tài trong lĩnh vực tinh giản biên chế nên “ai không làm cũng không sao”.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, đã đến lúc phải có điều khoản quy định chế tài xử lý những người không thực hiện việc tinh giản biên chế.

P.Thảo