1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Uống rượu bia rồi lái xe như người múa dao giữa chợ”

(Dân trí) - “Một ông uống rượu bia rồi lái xe, nếu dùng từ "người điên" thì hơi nặng, nhưng cũng có thể nói họ như người mất kiểm soát, cầm dao múa giữa chợ, uy hiếp đến an toàn tính mạng người khác”, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.

Ngày 11/3, tại hội thảo “tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giải thích rõ lý do tại sao đề xuất tịch thu phương tiện của người “nặng” hơi men khi lưu thông trên đường.

60% tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, chỉ trong tháng 2 vừa qua, cả nước đã xử lý trên 17.500 người vi phạm nồng độ cồn. Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia như hiện nay là không thể chấp nhận được. Và cũng chính vì mục tiêu bảo vệ tính mạng, tản sản của người dân nên Ủy ban An toàn giao thông đã đề xuất hình thức xử lý đủ sức cảnh báo thường xuyên cho người điều khiển phương tiện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đồng ý với đề xuất tịch thu xe của người nặng hơi men
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đồng ý với đề xuất tịch thu xe của người "nặng" hơi men

“Một ông uống rượu bia rồi lái xe, nếu dùng từ "người điên" thì hơi nặng, nhưng cũng có thể nói họ như người mất kiểm soát cầm dao múa giữa chợ, uy hiếp đến an toàn tính mạng người khác. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị áp dụng chế tài nặng chưa từng có ở Việt Nam đối với người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, đề xuất trên dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành. Như điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ rõ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Quang Huy đưa ra dẫn chứng cụ thể: có tới 60% tai nạn giao thông hiện nay liên quan trực tiếp đến rượu, bia. Với số người chết do tai nạn giao thông là 35 người/1 ngày Tết vừa qua, ông Huy nhận thấy đó là con số rất đáng đề suy nghĩ.

“Nếu sử dụng rượu, bia không đúng mức, nó có tác hại rất lớn đến sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ hoàn toàn đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông, phải có chế tài thật mạnh giảm tai nạn giao thông để xã hội lành mạnh, văn minh”, ông Huy phân tích rõ.

Với mong muốn người dân tham gia giao thông được an toàn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông là tịch thu phương tiện của “ma men”. Ông Cương cũng cho biết, đề xuất trên có cơ sở pháp lý, nhưng cơ sở pháp lý ở đây đã đầy đủ chưa, rõ nghĩa chưa thì cần phải bàn tiếp.

“Người vi phạm giao thông rất phổ biến, gây nguy hiểm cho người dân. Do vậy, tôi trân trọng đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông. Chế tài phải mạnh mẽ, nghiêm khắc mới đủ tính răn đe, lập lại trật tự, an toàn giao thông”, ông Cương nêu quan điểm.

Liên quan đến đề xuất trên có phù hợp pháp luật hay không, ông Cương cho rằng, những gì còn thiếu thì phải bàn, bổ sung để tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Cương cho biết thời gian tới có thể góp ý để Quốc hội thống nhất các vấn đề, hoàn thiện cơ sở pháp lý để có chế tài xử lý mạnh người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường.

Lo ngại tranh chấp khi tịch thu xe của “ma men”

Ông Phan Hữu Thư - nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp - lưu ý đến tính khả thi đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông. “Bằng cách này tôi thấy tính khả thi không cao. Vì văn bản này có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chẳng nhẽ cả nhà họ có cái xe, chỉ uống vài chén rượu và lại bị thu mất”, ông Thư nói.

Nhiều vấn đề bất cập trong đề xuất được đại biểu nêu ra tại hội thảo
Nhiều vấn đề bất cập trong đề xuất được đại biểu nêu ra tại hội thảo

Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp ủng hộ chế tài phạt nặng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Tuy nhiên, điều ông Thư băn khoăn là phạt thế nào cho phù hợp. Ông Thư thiên về hướng hình phạt phải có khung tương ứng với lỗi người vi phạm.

Tiến sĩ Đồng Xuân Thành, giảng viên Đại học Công nghiệp TPHCM cũng nhận định, việc tịch thu phương tiện là chưa khả thi. “Luật tôi thấy chưa cụ thể nên phải tính toán kỹ tính khả thi của đề xuất xem diễn ra trong thực tế như thế nào để lực lượng chức năng không tùy tiện bắt giữ xe của dân”, Tiến sĩ Thành lo ngại.

Trước khi cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trung xin phép cho đại biểu trong hội trường biểu quyết để xem có bao nhiêu người đồng ý quan điểm tịch thu phương tiện của người “nặng” hơi men. Tuy nhiên, Luật sư Trần Vũ Hải - đại diện ban tổ chức không đồng ý. Phải mất vài phút phân bua giữa hai bên mới đi đến thống nhất, Luật sư Trung nêu ý kiến cụ thể rằng hệ thống pháp luật nếu đưa quy định này vào là chưa hợp lý bởi kèm theo nó là hàng loạt vấn đề phát sinh.

“Tôi đồng ý nâng mức xử phạt nhưng không nên tịch thu phương tiện. Nếu điều này được thực hiện tôi e sẽ xảy ra tranh chấp giữa chủ phương tiện với người cho mượn”, Luật sư Trung cho ý kiến.

UB An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị tịch thu phương tiện (ô tô, xe gắn máy…) và tước giấy phép 2 năm nếu lái xe có nồng độ cồn quá cao (> 80mg/100ml máu hoặc > 0,4mg/1ml khí thở). Theo bạn:
Không nên tịch thu vì đó là những tài sản quá lớn và nhiều khi không phải của người lái
Nên tịch thu vì tính mạng con người là trên hết
Chỉ nên xử phạt thật nặng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 năm
  

Quang Phong