1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ứng phó khi vỡ hồ Dầu Tiếng

Vùng ven sông Sài Gòn từ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đến TPHCM và một số khu vực lân cận sẽ bị ảnh hưởng nếu hồ Dầu Tiếng gặp sự cố

Ông Vũ Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết đơn vị này vừa trình lên Bộ NN-PTNT thẩm định kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho vùng hạ du nếu hồ Dầu Tiếng xảy ra sự cố.

Vỡ đập và lũ tràn

Theo ông Lê Xuân Bảo, Phó Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường (IWER - trực thuộc Trường Đại học Thủy lợi), đơn vị tư vấn lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho vùng hạ lưu hồ Dầu Tiếng, kế hoạch này là nhằm chủ động giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất có thể về người và tài sản khi có sự cố bất khả kháng từ hồ Dầu Tiếng.
Từ đó, thiết lập kênh cung cấp cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng các thông tin như: mức độ nghiêm trọng của sự cố, thời gian còn lại để ứng phó và sơ tán, đồng thời hướng dẫn và tập huấn trước cho người dân những công việc cần làm trong trường hợp như vậy.
Có thể hình dung tương tự như kế hoạch cứu hộ cứu nạn cho ngư dân khi có bão hoặc kế hoạch phòng chống cháy nổ cho một tòa nhà.
Ứng phó khi vỡ hồ Dầu Tiếng - 1
Sau sự cố ngập lụt ở Thái Lan, dư luận đang lo ngại tình trạng tương tự
xảy ra đối với TPHCM nếu “quả bom nước” Dầu Tiếng xảy ra sự cố
Theo kịch bản, vùng hạ du chịu ảnh hưởng khi có sự cố vỡ đập Dầu Tiếng là vùng ven sông Sài Gòn từ sau đập hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu) đến TPHCM và một số khu vực lân cận khác. 
Những sự cố gây ngập lụt ngoài tính toán thiết kế của hồ Dầu Tiếng trước đây, gồm vỡ đập chính (động đất, nổ mìn, lỗ rò trong thân đập…) và lưu lượng lũ về hồ lớn hơn thiết kế (hồ Dầu Tiếng được thiết kế chịu được trận lũ tần suất tối đa 0,1% với lưu lượng khoảng 4.900 m3/giây).
Kế hoạch cũng đã tính toán đến nhiều tần suất lũ khác nhau, thậm chí trường hợp giả thiết lũ cực hạn với lưu lượng  khoảng 8.100 m3/giây.

Đủ thời gian sơ tán dân

Khi xảy ra sự cố, khối lượng nước rất lớn sẽ ập xuống hạ lưu liệu những hộ dân sống gần đập tràn có kịp trở tay? Ông Lê Xuân Bảo cho rằng nói vỡ đập hay lũ tràn không phải nước sẽ ập xuống hạ lưu ngay lập tức bởi đã có hệ thống dự báo. “Hiện chúng tôi chia sự cố thành ba cấp độ: dự báo, chuẩn bị xảy ra sự cố và đang xảy ra sự cố.
Cấp độ 1, 2 sẽ báo động tình trạng khẩn cấp và các cơ quan chức năng sẽ phối hợp hỗ trợ sơ tán người dân theo các kế hoạch đã được tập huấn trước.
Trong trường hợp xảy ra sự cố, mỗi kịch bản đều tính được thời gian nào nước lũ sẽ về đến địa phương nào, phạm vi ngập bao nhiêu và ngập sâu đến đâu. Tùy từng khu vực sẽ khuyến cáo người dân chuẩn bị di tản như thế nào.
Ví dụ, những hộ dân sống ngay sau đập thì phải sơ tán ngay lập tức nhưng cách đập tràn khoảng  50 km thì có thể có thời gian thu dọn đồ đạc và mang theo một số tài sản phù hợp. Dựa trên các tài liệu địa hình, địa mạo mỗi khu vực để tìm những công trình hay đồi, núi… có cao trình trên mực nước ngập để di tản người dân đến đó cũng như sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp”- ông Lê Xuân Bảo cho biết.
Ngoài ra, kịch bản cũng tính toán thời gian nước ngập,  nước rút  để chính quyền địa phương lên phương án cứu trợ và có kế hoạch đưa người dân trở lại nhà. Các biện pháp thông tin nhằm báo động sự cố như thế nào để tất cả người dân đều dễ dàng nhận biết cũng được đề xuất.
Chẳng hạn việc kết hợp với các đơn vị viễn thông tạo một đường truyền riêng để nhanh chóng thông báo sự cố đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng, hiện Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện thí điểm.

Diễn tập cho người dân

Ông Lê Xuân Bảo cho biết bản kế hoạch này là để chuẩn bị cho người dân nên sẽ được phổ biến đến người dân ngay sau khi kế hoạch được phê duyệt.
Theo đó, hình thức phổ biến gồm các lớp tập huấn hoặc diễn tập và kèm theo tài liệu là những cuốn cẩm nang ứng phó sự cố đưa đến người dân và các ban ngành có trách nhiệm liên quan.
Vì vậy, nếu có sự cố xảy ra thì người dân đã được trang bị trước những thông tin và hướng dẫn cần thiết để chủ động ứng phó.

Tuy nhiên, do kế hoạch liên quan đến nhiều địa phương nên sẽ còn thử nghiệm, hoàn chỉnh thêm cho phù hợp với thực tế để mức thiệt hại là thấp nhất có thể.

Theo Thu Sương
Người Lao động