1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

UBND Quận Ba Đình “bỏ quên” 3 công văn

(Dân trí) - Có 3 công văn cấp thành phố bị UBND quận Ba Đình bỏ quên không thực hiện đối với trường hợp GPMB nhà đất của ông Nguyễn Việt Cường hiện đang công tác tại Viện Cơ học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong suốt hơn 5 năm qua.

 
UBND Quận Ba Đình “bỏ quên” 3 công văn - 1
Ba công văn cấp Thành phố đến nay UBND quận Ba Đình vẫn “bỏ quên”!

Mãi đến tận ngày 26/11/2008 khi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chuyển đơn của ông Cường tới UBND TP Hà Nội thì 3 công văn này lần đầu tiên mới được công khai hóa, đặt lên bàn làm việc ở các cấp có thẩm quyền và làm cho ông Cường cũng như công luận thấy rất bức xúc.

Công văn thứ nhất là Thông báo số 154/TB-VP ngày 11/9/2003 của UBND thành phố Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn trong đó có đoạn:

“Đối với trường hợp ông Nguyễn Việt Cường: Chấp thuận tách phương án theo các đối tượng kê khai nộp thuế theo pháp lệnh thuế nhà đất. UBND quận Ba Đình và Hội đồng GPMB quận Ba Đình có trách nhiệm lập phương án GPMB theo đúng nguồn gốc và quá trình sử dụng đất...”.

Sau khi công văn trên ra được 2 ngày, mặc dù chưa có Quyết định tách phương án riêng cho ông Cường ra khỏi phương án chung bị ghép với nhiều người trước đây. Nhưng để phục vụ SEA Games 22, ngày 13/9/2003 ông Cường đã nghiêm chỉnh giao nhà đất cho Hội đồng GPMB quận Ba Đình (khi giao nhà đất ông Cường đã khiếu nại đòi hỏi phải có Phương án riêng cho ông).

Nhưng cho đến tận ngày hôm nay thì 16m2 nhà đất của ông trong dự án Cung Thể thao Quần ngựa vẫn còn bị “dính” tên với một số người khác. Ông Cường vẫn chưa có Phương án riêng của mình.

Sở dĩ nói công văn này bị “bỏ quên” vì trong các Quyết định trả lời khiếu nại của ông Cường, ví dụ Quyết định số 950/QĐ-UBND ngày 7/6/2007 của UBND quận Ba Đình có đoạn: “Việc ông Cường có yêu cầu tách Phương án riêng… là không có căn cứ để xem xét giải quyết”.

Thật là mâu thuẫn với Thông báo số 154/TB-VP ngày 11/9/2003 của UBND thành phố Hà Nội, một mâu thuẫn tồn tại suốt từ 11/9/2003, qua 3 mùa SEA Games đến nay.

Công văn thứ hai bị UBND quận Ba Đình bỏ quên là công văn số 26/BCĐ-NVKT của Ban Chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội ngày 4/2/2005. Công văn này có hai phần, mỗi phần có vị trí quan trọng riêng của nó.

Trong phần thứ hai có 2 đoạn: “tách diện tích 25,5m2 đứng tên ông Nguyễn Việt Cường là diện tích bị thu hồi thuộc dự án Cung Thể thao Quần Ngựa cho các hộ có quyền sử dụng đất…” và “cộng phần diện tích của từng hộ với diện tích đã bị thu hồi với dự án Đường và áp dụng hạn mức đất ở cho mỗi hộ là 120m2…”.

Theo hai đoạn trích dẫn này thì bất kỳ ai cũng thấy trình tự (thứ tự công việc) sẽ là: tách 16m2 đứng tên riêng của ông Nguyễn Việt Cường ra khỏi diện tích 25,5m2 (không dính dáng với bất kỳ ai), lấy 16m2 này ở dự án Cung cộng với diện tích của ông Cường bị thu hồi trong dự án Đường là 50,7m2 được tổng diện tích bị thu hồi ở Hội đồng GPMB quận Ba Đình là 66,7m2, do việc áp dụng hạn mức đất ở là 120m2 nên kết luận cuối cùng của trình tự này là 66,7m2 nhà đất của ông Cường phải được áp dụng là diện tích đất ở và tất nhiên khi thu hồi phải được đền bù theo giá đất ở (100% giá đất ở đô thị), sau khi áp dụng trình tự trên cho ông Cường thì sẽ áp dụng cho người được tách ra khỏi ông Cường.

Sau đó đề nghị này đã được Hội nghị liên ngành thành phố chấp thuận như đã nêu ở trên. Nhưng cho đến nay ông Cường vẫn chưa được đền bù 100% theo giá đất ở đã gây nên sự bức xúc về bất công trong xã hội, sự khó hiểu về cách làm việc của UBND quận Ba Đình và dẫn tới sự khiếu nại kéo dài của ông Cường.

Công văn thứ ba bị UBND quận Ba Đình “bỏ quên” là Công văn số 619/UB-NNDC ngày 23/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội trong đó có đoạn: “UBND TP chấp thuận theo đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo GPMB TP tại Công văn số 26/BCĐ-NVKT ngày 4/2/2005” và “UBND quận Ba Đình có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng GPMB quận Ba Đình và chủ đầu tư điểu chỉnh, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định”.

Như vậy UBND thành phố đã chấp thuận cả 2 nội dung trong công văn số 26/BCĐ-NVKT (như đã nêu ở phần trên).

Việc UBND quận Ba Đình “bỏ quên” công văn thứ ba này là nguyên nhân gây nên sự bất công trong xã hội và trốn tránh trách nhiệm của mình. Câu hỏi ai chịu trách nhiệm vấn đề này vẫn chưa có câu giải đáp và hàng loạt vấn đề đang chờ đợi câu trả lời trong đó quan trọng nhất là câu hỏi trách nhiệm với dân và hiệu quả của cải cách hành chính.

Vũ Văn Tiến