1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Tỷ phú cũng đi… “ăn mày”

Lâu nay nói tới “ăn mày”, ai cũng nghĩ đến những kẻ bần hàn “khố rách áo ôm”. Vậy mà ở vùng sông nước miền Tây lại xuất hiện những tỷ phú nhà cao cửa rộng nhưng tối ngày lo đi “ăn mày”. Họ tình nguyện đi “xin”, đi vận động tài trợ để giúp dân nghèo.

Đến thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) hỏi vợ chồng tỷ phú “ăn mày” - ông Huỳnh Ngọc Bảo và bà Lê Mỹ Dung - ai cũng biết. Tư gia của vợ chồng ông Bảo nằm bệ vệ ở đường Lâm Quang Ky, gần khu lấn biển. Đây cũng là nhà hàng lớn có sức chứa lên đến cả ngàn khách.

 

Ông Bảo vóc người cao khỏe, vui tính. Gợi chuyện 2 chữ “ăn mày” mà nhiều người thường hay gọi, ông Bảo cười ngất: “Nói giàu có thì tôi không dám, nhưng thực tế cũng chẳng thiếu thốn gì đâu mà đi xin xỏ hay vay mượn người khác. Người ta bảo tôi ăn mày là vì cái tài của tôi chuyên vận động tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế… giúp đỡ người nghèo ở vùng sâu vùng xa đó mà…”.

 

Chuyện làm từ thiện của vợ chồng ông Bảo thật tình cờ. Bà Dung nhớ lại: Khoảng trước những năm 1999, đứa con bị bệnh phải đưa vào bệnh viện chữa trị, ra vào bệnh viện nhiều ngày bà chứng kiến những cảnh đời bất hạnh. Có người mắc các bệnh nan y mà không tiền lo thang thuốc, có người mới sinh con ra đã bị dị tật hoặc bị bệnh tim bẩm sinh… cho đến những trường hợp người thân sắp lên bàn mổ nhưng gia đình chẳng có đồng nào.

 

Gặp những cảnh đời như vậy, bà rơm rớm nước mắt chỉ biết nhét vào tay họ vài trăm ngàn gọi là chia sẻ. Sau nhiều đêm trằn trọc, bà Dung bàn với chồng phải làm việc gì đó để giúp đỡ người nghèo bất hạnh.

 

Ban đầu bà liên lạc với các bệnh viện hỗ trợ người nghèo mổ mắt. Từ 1 ca rồi lan ra hàng chục, hàng trăm ca… Người ở gần giới thiệu người ở xa, hễ nghe chỗ nào có người cần mổ mắt nhưng không tiền là bà tìm tới giúp đỡ.

 

Số người cần giúp đỡ ngày càng đông. Vợ chồng bà Dung phối hợp với ni cô Thích Nữ Phúc Liên ở chùa Đường Xuồng, huyện Giồng Riềng và một số người khác, thành lập nhóm từ thiện Ngọc Phúc. Thế là nhóm Ngọc Phúc quyết định mở rộng quy mô hoạt động.

 

Để có kinh phí giúp người nghèo, ngoài khả năng của nhóm thì phải vận động các mạnh thường quân trong và ngoài nước tiếp sức. Ông Bảo nói: “Chỉ xuống miệt U Minh thấy bà con khó khăn, là không chịu nổi. Tôi liền nghĩ ra cách liên lạc với các nhà mạnh thường quân, mời họ xuống Rạch Giá rồi thuê xe, thuê đò đưa vào tận nơi cho họ chứng kiến. Mọi chi phí đi lại, ăn uống… tôi bỏ tiền túi ra lo hết.

 

Những lần thực tế như vậy họ cảm động và hỗ trợ, thiếu bao nhiêu tụi tôi bù vào, tuyệt đối không cắt xén. Công trình nào thi công cũng nhờ chính quyền địa phương và người dân giám sát. Khi hoàn thành, mời mạnh thường quân xuống kiểm tra lại”.

 

Từ cách làm minh bạch trên, nhóm từ thiện Ngọc Phúc ngày càng được nhiều mạnh thường quân ủng hộ kinh phí giúp người nghèo. Đặc biệt, những tổ chức và cá nhân người nước ngoài hỗ trợ rất nhiều, bình quân mỗi năm trên 4 tỷ đồng.

 

Tính sơ bộ, đến nay nhóm đã thực hiện trên 2.000 ca mổ mắt (trị giá 500.000đ/ca); xây 100 phòng học (80 triệu đồng/phòng); 100 cây cầu (30 triệu đồng/cây); giúp dân nghèo vùng lũ 350 chiếc xuồng; 1.000 giếng nước; 1.700 cái lu đựng nước…

 

Ông Bảo tâm sự, “từ ngày đi làm từ thiện công việc buôn bán của nhà hàng bị ảnh hưởng, vì mất quá nhiều thời gian”. Nhưng vợ chồng vẫn vui vì góp công bé nhỏ giúp ích cho bà con nghèo vượt qua cái khó.

 

Ở xứ dừa Bến Tre còn có ông Lê Huỳnh, người làm từ thiện nổi tiếng. Ông đứng ra thành lập trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, đồng thời vận động nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp mỗi năm hàng tỷ đồng, giúp bà con nghèo mổ mắt, khám chữa bệnh… Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… ngày càng nhiều những tỷ phú tình nguyện đi “ăn mày” về giúp dân nghèo.

 

Những tỷ phú “ăn mày” ở miền Tây lấy làm vui khi chuyện “ăn mày” của mình giúp nhiều mảnh đời vượt qua khốn khó, góp phần đáng kể xây dựng cầu đường nông thôn thúc đẩy xã hội phát triển.

 

Theo Huỳnh Phước Lợi
Sài Gòn Giải Phóng