Tỷ phú 10 năm đi 2 đôi giày, chi "núi tiền" làm từ thiện

Thảo Lê

(Dân trí) - Vị tỷ phú tự thân được xem là nhà hảo tâm hào phóng nhất nước Mỹ khi đã quyên góp hàng tỷ USD làm từ thiện.

Michael Bloomberg sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Medford, Massachusetts, Mỹ. Cha ông là một kế toán làm việc 7 ngày/tuần tại một công ty sữa địa phương để nuôi sống gia đình 4 người. Cuộc sống không mấy khá giả nên trong thời gian học tại Đại học Johns Hopkins, Bloomberg phải làm công việc trông xe để có tiền chi trả học phí. Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư cơ khí, ông tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Harvard.

Năm 1966, Bloomberg bắt đầu làm việc tại ngân hàng đầu tư Salomon Brothers. Ông trở thành một nhà giao dịch trái phiếu và đối tác góp vốn ở ngân hàng này vào năm 1972, một vài năm sau đó, đảm nhiệm vị trí người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu. Năm 1979, Bloomberg được yêu cầu chuyển tới làm việc ở bộ phận công nghệ thông tin. Đây được coi là một sự giáng chức với ông nhưng cũng nhờ đó, vị tỷ phú 79 tuổi đã học được nhiều điều về máy tính.

Tỷ phú 10 năm đi 2 đôi giày, chi núi tiền làm từ thiện - 1
Tỷ phú Michael Bloomberg. (Ảnh: BI)

Năm 1981, khi Salomon sáp nhập với Phibro Corporation, Bloomberg bất ngờ bị sa thải. Sau 15 năm gắn bó, ông rời công ty với khoản trợ cấp thôi việc 10 triệu USD. Cùng năm đó, Bloomberg dành ra 4 triệu USD để thành lập một công ty dịch vụ tài chính có tên Innovative Market Solutions, chuyên cung cấp thông tin, số liệu cho các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán. Công ty đạt được thành công liên tiếp trong suốt những năm 80, được định giá 2 tỷ USD chỉ sau 8 năm thành lập. Năm 1986, ông đổi tên công ty sang tên mình như ngày nay.

Theo Forbes, Michael Bloomberg đang sở hữu khối tài sản ròng 59 tỷ USD, giàu thứ 13 ở Mỹ và đứng thứ 20 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh.

Năm 2001, Bloomberg quyết định ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New York. Ông bắt đầu nhiệm kỳ từ năm 2002 và đã giúp vực dậy thành phố này sau vụ khủng bố 11/9 bằng cách áp dụng nhiều chính sách hiệu quả về tài chính, dịch vụ, kiểm soát súng đạn và môi trường.

Suốt 12 năm làm việc ở vị trí này, tỷ phú Bloomberg chỉ nhận mức lương tượng trưng là 1 USD/năm. Ông cũng không dùng căn biệt thự được cấp mà ở nhà riêng ở Manhattan và thường xuyên đi làm bằng tàu điện ngầm.

Stu Loeser, người phát ngôn của vị tỷ phú từng tiết lộ rằng trong hơn 10 năm, ông chỉ chỉ sở hữu hai đôi giày công sở màu đen. Cả hai đều đã rất mòn, không còn nhìn rõ nhãn hiệu.

"Hôm nay ông ấy đi đôi này, ngày mai ông ấy sẽ đi đôi còn lại. Khi giày bị cũ, ông sẽ đem đi đánh bóng lại hoặc thay đế. Ông nói chỉ cần thoải mái và tiện dụng là được, không có nhu cầu mua giày mới", Loeser cho biết.

Khi mua cà phê, ông chỉ chọn size nhỏ nhất đủ dùng và chỉ mua khi khát . Những đồ dùng khác cũng vậy, ông chỉ mua khi thực sự cần. Bloomberg tiết lộ: "Tôi muốn dành dụm tiền cho những thứ khác xứng đáng hơn thay vì tiêu xài hoang phí cho những thứ chưa cần thiết".

Tỷ phú 10 năm đi 2 đôi giày, chi núi tiền làm từ thiện - 2
Vị tỷ phú rất hào phóng khi làm từ thiện. (Ảnh: WSJ)

Keo kiệt với bản thân là thế nhưng vị tỷ phú lại rất hào phóng khi làm từ thiện. Thông qua quỹ từ thiện Bloomberg, ông đã quyên góp ước tính 8 tỷ USD cho nỗ lực kiểm soát súng đạn, ngăn chặn biến đổi khí hậu, sức khỏe, giáo dục và nghệ thuật. Theo Tạp chí New York, chỉ trong năm 2019, tỷ phú Bloomberg đã cho đi tổng cộng 3,3 tỷ USD.

Cùng với các tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett, Michael Bloomberg cũng đã ký vào bản cam kết sẽ quyên góp ít nhất một nửa tài sản của mình cho hoạt động từ thiện.

Năm 2015, ông góp 100 triệu USD cho Đại học Cornell để xây dựng một trường đại học mới tập trung vào công nghệ ở New York. Ông cũng đã quyên góp ít nhất 3,3 tỷ USD cho Đại học Johns Hopkins kể từ khi tốt nghiệp năm 1964. Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Johns Hopkins đã được đặt tên theo vị tỷ phú để vinh danh những đóng góp của ông.

"Bloomberg đã chinh phục giới kinh doanh, nhưng bằng tài năng và ý chí của mình, ông ấy vẫn khiến nhiều người cảm phục bởi những việc làm ý nghĩa", giáo sư Paul Schervish từ Đại học Boston nói.