Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội vẫn thấp
(Dân trí) - Việt Nam chỉ có 24% tổng số đại biểu Quốc hội là nữ trong nhiệm kỳ 2011- 2016, giảm gần 3% kể từ năm 2002. Trong khi đó, tỷ lệ nữ trong số những người được bầu cử tại cấp tỉnh và huyện là 25% và cấp xã là 21%.
Đó là thông tin được đưa ra tại một cuộc tọa đàm cấp cao vừa diễn ra nhằm thảo luận các giải pháp để tăng tỷ lệ nữ được bầu cử lên 35% vào năm 2016. Tham gia cuộc tọa đàm có cán bộ Đảng, Nhà nước; Nhóm nữ đại biểu Quốc hội; đại diện Ủy ban nhân dân một số địa phương; cùng các vị Đại sứ và đại diện của các tổ chức quốc tế.
Trong cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến khó thực hiện bình đẳng giới trên mọi mặt.” Trong khi đó, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đặt chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị về vấn đề hoạch định nhân sự rõ ràng nhằm tăng số lượng nữ tham gia vào các vị trí cấp cao trong chính phủ và xóa bỏ sự khác biệt tuổi về hưu để đảm bảo bình đẳng về cơ hội việc làm, đào tạo, thăng tiến và đảm bảo việc làm cho phụ nữ. Bà Louise Chamberlain cũng cho rằng, nam giới cần chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái để phụ nữ có thể tham gia vào các hoạt động chính trị và dịch vụ công.
Ngày 18/10, Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng đưa ra công bố nghiên cứu “Đánh giá tình hình phụ nữ trong hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam”. Nghiên cứu tập trung vào ba lĩnh vực lớn: phụ nữ là nạn nhân của tội phạm, phụ nữ vi phạm pháp luật và phụ nữ công tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Mỗi chương của báo cáo đều bắt đầu bằng phần mô tả thực trạng và trình bày khung nghiên cứu chuẩn, theo sau là phần phân tích số liệu sẵn có và đưa ra các khuyến nghị mang tính chiến lược với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Cả ba lĩnh vực nghiên cứu đều chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường việc thực hiện, theo dõi và đánh giá hệ thống luật và chính sách liên quan tới bạo lực với phụ nữ, cũng như các nghiên cứu và phân tích tiếp theo nhằm xây dựng các chính sách và chương trình dựa vào bằng chứng và nhạy cảm về giới.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá sẽ đưa ra các đề nghị can thiệp thực tế trong ngắn hạn cũng như kiến nghị thay đổi chính sách trong dài hạn để cải thiện tình hình của phụ nữ trong hệ thống tư pháp. Theo UNDP, trong những năm qua,Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong cải cách hệ thống luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới năm 2006 thể hiện cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực này bên cạnh những đóng góp của các chính sách và luật liên quan trong việc thúc đẩy các quyền của phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ tiếp tục đối mặt với những bất lợi trong nhiều lĩnh vực của xã hội, bao gồm cả các bất lợi khi tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự.
Đánh giá này được thực hiện từ tháng 11/2012 với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC),Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Đánh giá dựa trên cơ sơ nghiên cứu các tài liệu sẵn có và phỏng vấn các bên liên quan trong chuyến công tác tại Hà Nội của nhóm chuyên gia.
Phạm Thanh