“Tuýt còi” 5 nhóm đối tượng lưu thông trên Đại lộ Thăng Long
(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định 3461/QĐ-BGTVT Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và khai thác Đại lộ Thăng Long nhằm hướng dẫn người tham gia giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình trọng điểm quốc gia này.
Giao thông trên Đại lộ Thăng Long (trên đường chính) theo hai chiều riêng biệt; các xe chỉ được ra, vào Đại lộ Thăng Long ở các nút giao Trung Hòa, trước và sau nút giao Mễ Trì, trước và sau nút giao ĐT80, nút giao Hòa Lạc.
Tốc độ lưu hành tối đa, tối thiểu cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên Đại lộ Thăng Long theo một hướng xe chạy quy định: 2 làn phía trong (gần dải phân cách giữa): tốc độ tối đa 80 km/h; tốc độ tối thiểu 50 km/h. Làn phía ngoài (gần làn dừng khẩn cấp): tốc độ tối đa 60 km/h; tốc độ tối thiểu 40 km/h.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc tổ chức quản lý khai thác tạm thời Đại lộ Thăng Long được giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội thành lập Tổ chức quản lý Đại lộ Thăng Long để quản lý, theo dõi và điều hành giao thông trên Đại lộ Thăng Long.
Phòng quản lý giao thông Đại lộ Thăng Long được Tổ chức quản lý Đại lộ Thăng Long thành lập để điều hành giao thông trên Đại lộ Thăng Long.
Tổ chức quản lý Đại lộ Thăng Long chịu trách nhiệm tổ chức các lực lượng cứu hộ, cứu thương, cứu hỏa, thông báo cho các đơn vị liên quan sửa chữa kịp thời (trong thời gian bảo hành công trình), bảo trì công trình trên đường và các vấn đề có liên quan để phục vụ khai thác Đại lộ Thăng Long.
Khi nhận được thông tin về tai nạn giao thông xảy ra, tổ chức quản lý Đại lộ Thăng Long, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra đường bộ có mặt tại hiện trường, chậm nhất là sau 20 phút kể từ khi nhận được thông tin để kịp thời tổ chức xử lý tai nạn và cứu trợ; nếu xẩy ra tắc nghẽn hoặc có từ 2 tai nạn xẩy ra ở các địa điểm khác nhau thì chậm nhất là sau 30 phút.
Quyết định quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tổ chức quản lý Đại lộ Thăng Long. Các đơn vị này phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện các hư hỏng, mất mát và các hành vi xâm hại khác để xử lý kịp thời, đảm bảo theo quy định.
Thực hiện tuần tra 24/24h trong ngày và thiết lập các chốt trực cố định và tổ trực cơ động để phục vụ kịp thời trong công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng như kịp thời khắc phục khi xảy ra mất an toàn, phối hợp trong công tác xử lý tai nạn giao thông.
Ngoài ra, đình chỉ ngay các hoạt động gây tổn hại đến an toàn công trình và an toàn giao thông và báo cáo UBND Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và UBND các cấp có liên quan.
Quyết định Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và khai thác Đại lộ Thăng Long bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/1/2011.
Quỳnh Anh