TPHCM:
Tuyến metro thiếu vốn, chậm tiến độ và bài học “thiếu kinh nghiệm”
(Dân trí) - Tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ trễ hẹn về đích năm 2020 vì thiếu vốn. Tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm. Cả 2 dự án đều trong tình trạng chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Nguy cơ trễ hẹn vì “đói vốn”
Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tạm ứng 1.000 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Trước đó, cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch - Đầu tư ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, song dự án metro số 1 vẫn không được bố trí vốn.
Lý giải về việc này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết Quốc hội chưa có ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định và chưa xác định giá trị vay lại nguồn vốn ODA. Do đó, bộ chưa có cơ sở xác định phần vốn kế hoạch ngân sách Trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư.
Để đảm bảo có vốn thanh toán cho nhà thầu thi công, từ cuối năm 2016 đến nay TPHCM đã ứng vốn ngân sách 3 lần với gần 2.300 tỷ đồng.
Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 dự kiến được đưa vào khai thác năm 2020. Dự án đã ký 3 hiệp định vay với Nhật Bản, với hơn 31.000 tỷ đồng và giải ngân khoảng 12.000 tỷ đồng. Hiện, công trình đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc. Tuy nhiên, dự án luôn trong tình trạng “đói vốn” để thanh toán cho nhà thầu thi công và có nguy cơ trễ hẹn.
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án do Cục Đường sắt Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South). Sau đó, dự án được chuyển giao cho TPHCM và năm 2017 UBND TPHCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật).
Từ tháng 1/2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty của Nhật Bản) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng. TPHCM đã mời các công ty của Singapore thẩm tra độc lập và kết luận tổng mức đầu tư trên là phù hợp.
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án. Đến tháng 9/2011, UBND TP quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư là hơn 47.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời điểm này dự án được phê duyệt điều chỉnh lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vì là dự án trọng điểm quốc gia. Sau đó, Thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.
Kịch bản “thiếu kinh nghiệm” lặp lại
Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng bị đội vốn lên tới 800 triệu USD (tổng mức đầu tư từ 1,374 tỷ USD tăng lên 2,173 tỷ USD, tăng 58%). UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2024.
UBND TPHCM cũng trình bày lý do tăng tổng mức đầu tư là nằm ở khâu thiết kế cơ sở. Cụ thể, thiết kế cơ sở được phê duyệt của dự án do đơn vị tư vấn trong nước thực hiện vào năm 2010.
Trong quá trình triển khai dự án, năm 2012, chủ đầu tư đã tuyển chọn tư vấn quốc tế là liên danh tư vấn IC (đứng đầu là tư vấn Đức) thực hiện các bước tiếp theo với mục đích rà soát và triển khai thiết kế chi tiết hơn so với thiết kế cơ sở. Thiết kế (FEED) này sẽ là cơ sở để tổ chức lựa chọn các nhà thầu thi công và cung cấp thiết bị dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, tư vấn quốc tế phát hiện nhiều nội dung sai sót và chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở (tương tự quá trình thiết kế của tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên, trước đây).
Hai tuyến metro đầu tiên của TPHCM bị “đội vốn” khủng xuất phát từ một điểm chung đó là khâu tư vấn thiết kế, lập dự án do các đơn vị trong nước thực hiện còn nhiều sai sót, không phù hợp với thực tế.
Lý giải về việc này, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cũng thừa nhận, thời điểm lập dự án, Việt Nam chưa làm tuyến metro nào. Đơn vị lập dự án cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn vì loại hình đường sắt đô thị quá mới mẻ tại Việt Nam nên chưa cập nhật được giá trị đầu tư thực tế.
Các dự án metro “đội vốn” khủng, trong khi các bộ, ngành liên quan cũng chưa thể hiện sự quyết liệt vào cuộc mạnh mẽ để cùng TPHCM giải quyết các vướng mắc để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án. Hệ quả là dự án có nguy cơ trễ hẹn vì thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu thi công.
Hơn nữa, sự chậm trễ giải ngân vốn vay ODA sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thu xếp vốn của các nhà tài trợ đối với tuyến metro số 1 và cả những tuyến khác metro khác. Đặc biệt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TPHCM khẩn trương có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 dự án trên để tổ chức thẩm định. Giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, thẩm định kỹ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Chính phủ trước ngày 20/3.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án nguồn vốn thực hiện dự án, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.
Trên cơ sở Báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông vận tải và dự thảo Báo cáo của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 30/3.
Quốc Anh